Bình đẳng giới hiện nay là vấn đề quan trọng được nhiều nước, nhiều quốc gia quan tâm ký kết nhiều hiệp ước và cam kết thực hiện Nhà nước ta đã ký kết, tham gia “Công ước Liên hiệp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” và ký kết tham gia, thực hiện tám mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có mục tiêu: thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Như vậy bình đẳng giới không là vấn đề riêng của giới nữ, của một quốc gia, mà là mục tiêu phấn đấu thúc đẩy thực hiện của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc.
Bình đẳng giới không thể hiểu một cách đơn giản là nam giới và phụ nữ hay trẻ em nam và trẻ em nữ có số lượng tham gia như nhau trong mọi hoạt động xã hội. Bình đẳng giới không có nghĩa là nam giới và phụ nữ là giống nhau, đều làm mọi việc như nhau. Mà nên hiểu rằng bình đẳng giới là sự tương đồng và có khác biệt của giới nam và phụ nữ được thừa nhận và được coi trọng như nhau. Thực tế cho thấy phụ nữ và nam giới có cuộc sống rất khác nhau, có các nhu cầu khác nhau, có nguyện vọng khác nhau và nhiều vấn đề cần ưu tiên . Cũng như vậy, họ phải chịu sự tác động khác nhau từ cùng một chính sách, cùng một biện pháp hỗ trợ phát triển của một đảng, một nhà nước. Cho nên bình đẳng giới phải được hiểu một cách đầy đủ là nam giới và phụ nữ được trải nghiệm ở những điều kiện như nhau để phát huy đầy đủ các tiềm năng của mình, có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng lợi như nhau từ các hoạt động phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của quốc gia.
Chúng ta phải thừa nhận rằng sự phát triển, tiến bộ của xã hội nói chung và của đất nước ta nói riêng, nó gắn liền với quá trình đấu tranh kiên trì của xã hội cho sự bình đẳng giới. Vì bình đẳng giới là mục tiêu chung của xã hội, bất bình đẳng giới là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, là rào cản chính đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Chính nó là tác nhân gây ra tác động tiêu cực tới quốc gia, tới mọi thành viên trong xã hội. Quốc gia nào còn tình trạng bất bình đẳng giới mang tính phổ biến và kéo dài thì sẽ phải trả giá bằng sự gia tăng đói nghèo, lạc hậu và các thiệt hại khác. Một xã hội, một quốc gia có mức độ bình đẳng giới càng cao thì thành quả tăng trưởng kinh tế càng lớn phục vụ tốt cho công tác xoá đói giảm nghèo, xoá dần bất bình đẳng trong xã hội.
Chính vì vậy mà Đảng và nhà nước ta đề ra mục tiêu phấn đấu của dân tộc là xây dựng nước Việt Nam thành một nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Ngay nội dung của mục tiêu trên nó cũng đã bao hàm, chứa đựng nội dung về sự bình đẳng giới. Từ mục tiêu trên mà Đảng và nhà nước ta cụ thể hoá đề ra nhiều chủ trương, chính sách, chương trình tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác xã hội. Nghị quyết số: 04-NQ/TW, ngày 12/7/1993 của Bộ chính trị ban hành về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số: 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”. Từ những quan điểm chỉ đạo trên, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, có nêu: “Thiết thực chăm lo sự bình đẳng về giới, sự tiến bộ của phụ nữ”. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số: 19/2002/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ đến năm 2010” và Nghị định số:19/2003/NĐ-CP ngày 7/3/2003 của Chính phủ: Quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước về các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát về bình đẳng giới: “Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện các quyền cơ bản của phụ nữ, để họ tham gia và hưởng lợi đầy đủ và bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội”. Từ mục tiêu tổng quát được cụ thể hoá thành các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, trong đó có mục tiêu “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội” để tăng số lượng phụ nữ được giới thiệu và bầu vào các cơ quan dân cử, tham gia lãnh đạo, quản lý, ở các cấp các ngành trong cả nước.
Thực tế xã hội ta hiện nay cho thấy, phụ nữ tham gia vào công tác xã hội, quản lý nhà nước còn rất ít, đặc biệt là trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội. Hiện nay ở nước ta phụ nữ chiếm hơn 50% tổng số thành viên trong xã hội, nhưng đồng thời lại là chiếm phần đông trong số những người nghèo khổ, nạn nhân của các hành động ngược đãi, có tỷ lệ biết chữ nói chung thấp hơn nam giới và chất lượng cuộc sống chậm được cải thiện hơn. Nguyên nhân dẫn đến hậu quả không tốt nói trên có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân cơ bản là do chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo. Đó là những tư tưởng, hành vi gia trưởng, có xu hướng hạ thấp vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, coi trọng con trai hơn con gái…
Trong báo cáo của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Long năm 2005, đội ngũ cán bộ công chức ở 107 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 4331 người thì trong đó chỉ có 668 cán bộ nữ chiếm tỷ lệ 15,4%. Trong số 4331cán bộ công chức cấp xã thì có 1845 cán bộ chuyên trách, trong đó nữ chỉ có 238 người chiếm 12,8%; Công chức chuyên môn có 719 người thì nữ chỉ có 103 người chiếm tỷ lệ 14,3%; Cán bộ không chuyên có 1767 người, trong đó nữ có 327 người chiếm tỷ lệ 18,5%.
Từ năm 2000 đến 2005, Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long thực hiện chương trình trung cấp lý luận chính trị đào tạo cán bộ chủ chốt cho chính quyền cơ sở được 23 lớp, với 1158 học viên, trong đó nữ chỉ có 201 người chiếm tỷ lệ 17,3%.
Từ số liệu trên cho thấy tỷ lệ nữ đang làm việc và nữ cử đi đào tạo tại trường chính trị của chính quyền cấp xã chiếm tỷ lệ rất thấp so với nam giới. Tỷ lệ nầy nó không chỉ phản ánh tình hình của tỉnh, mà đó còn phản ánh tình hình chung trong cả nước. Sở dĩ có tỷ lệ chênh lệch lớn giữa nam và nữ như trên trong đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản nhất là do tư tưởng nho giáo, gia trưởng, trọng nam khinh nữ, hạ thấp vai trò phụ nữ trong xã hội. Từ đó có định kiến với phụ nữ dẫn đến làm bất bình đẳng giới trong xã hội.
Để thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ của Chính phủ, đòi hỏi mọi ngành, mọi cấp, mọi tổ chức, mọi người, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, cùng thực hiện. Với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, chúng ta đẩy mạnh công tác lồng ghép giới vào trong nội dung giảng dạy góp phần làm thay đổi nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó góp phần vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta.