Lịch sử nhân loại đã sản sinh ra những vĩ nhân mà vai trò của họ lúc sinh thời cũng như khi đã qua đời có ảnh hưởng to lớn đến mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại, người thầy của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là một vĩ nhân như thế.
Tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và dân tộc ta.Trong thế kỷ hai mươi và mãi mãi sau này, Hồ Chí Minh là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, Người đã kết tinh nền văn hóa Việt Nam – phương Đông vào nền văn hóa tiên tiến phương Tây ở đầu thế kỷ hai mươi.
Quá trình kết tinh ấy được nhận thức độc lập với quan niệm lấy châu Âu làm trung tâm. Là một người theo chủ nghĩa Mác nhưng Người đã thoát khỏi cái khuynh hướng tôn sùng châu Âu đang thịnh hành đương thời. Đối với Mác, Người cũng có một cái nhìn biện chứng lịch sử. Tiêu chí văn hóa mà Người thường nêu ra xuất phát từ cơ sở văn hóa phương Đông, trùng hợp với mục tiêu của cuộc cách mạng theo đường lối Mác – Lênin “thế giới đại đồng”, “bốn biển là nhà”, “bốn phương vô sản đều là anh em”, “tất cả các dân tộc đều bình đẳng, tự do, đều được hưởng độc lập và hạnh phúc”. Đó là một đặc điểm về nhận thức chủ yếu trong quan niệm về văn hóa của Người.
Một đặc điểm nữa trong tư tưởng về văn hóa của Hồ Chí Minh là tính tích cự xã hội, tính cách mạng của văn hóa. Đối với Người, văn hóa không phải là một phạm trù trừu tượng mà văn hóa là biểu hiện của tính tích cực xã hội của con người, của một dân tộc. Trong thời điểm khi đất nước đi vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, Người đã nói: “Văn hóa là một mặt trận”. Các chiến sĩ trên mặt trận ấy phải dấn thân, chiến đấu. Sau khi thiết lập Nhà nước cộng hòa dân chủ Người nói: “Văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ . . . Văn hóa phải làm thế nào cho mọi người dân Việt nam từ già, đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng”.
Người xem trọng chữ “chính” trong nhân cách mỗi con người. Người phê phán thói đạo đức giả, vạch ra rõ ràng dứt khoát quan niệm hoàn chỉnh về nhân cách con người liêm chính. Hành xử, lối sống của Người trước sau bao giờ cũng biểu hiện tiêu chí nhân cách văn hóa mà Người nêu ra. Người cho rằng văn hóa và đạo đức phải biểu hiện trong hành động chứ không chỉ trên lời nói suông. Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính từ quan điểm này mà Người yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương cho quần chúng nhân dân cảm phục và noi theo. Và tự bản thân, cả cuộc đời, nếp sống, hành vi của mình, Người đã nêu một tấm gương trong sáng nhất của một con người có lý tưởng văn hóa cao đẹp là “làm cho mọi người có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và quyền lợi mà mình nên được hưởng”.
Trên quan điểm Lênin nói về trật tự kinh tế và văn hóa là “Xã hội muốn trở nên một xã hội có văn hóa, cần một sự phát triển nhất định các phương tiện sản xuất, cần một cơ sở vật chất nhất định”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách dung dị nhưng ẩn dụ một ý nghĩa sâu xa: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ có câu: Có thực mới vực được đạo vì thế kinh tế phải đi trước”. Khi dân lấy cái ăn làm trời (dĩ thực vi thiên) thì cái ăn là cái tất yếu của một nền kinh tế, là đạo lý, là học thuyết, là bản chất của một nền văn hóa. Người không bài xích, phản bác niềm tin vào cái hay, cái tốt, điều thiện, điều lành làm cơ sở cho bất cứ học thuyết, tín ngưỡng nào. Là một người yêu nước, một người mácxít, một người cộng sản, Người đã kết tinh trong nhận thức và hành xử của mình các truyền thống văn hóa trải qua mấy nghìn năm của dân tộc Việt nam và cả những gì là tiến bộ nhất, tốt đẹp nhất của nền văn hóa và văn minh loài người. Có lẽ vì thế mà bất cứ con người Việt Nam hay bạn bè quốc tế dù với hệ tư tưởng và thế giới quan khác nhau, dù là người Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Nho giáo, . . . cũng đều thấy ở Hồ Chí Minh một phần tâm tư, một phần con người mình và luôn coi Người là bậc đại hiền, đại trí mà mình yêu kính.
Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa luôn hiện diện trong cuộc đời, trong tư tưởng, trong mọi hành động của mọi người, của toàn xã hội. Con người tư duy và hành động luôn theo một định hướng văn hóa. Mỗi con người, mỗi xã hội đều phải tiếp thu, kết nối, hòa nhập giữa truyền thống và hiện đại một cách nhuần nhuyễn, hợp lý, hợp tình, không khiên cuỡng. Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa cũng là một tiến trình phát triển con người như một bản năng tồn tại. Văn hóa luôn hoàn thiện các nhận thức về đạo đức, thẩm mỹ,trí lực,thể lực con người.Trong cuộc cách mạng lâu dài để giải phóng con người khỏi các xiềng xích áp bức bóc lột, những đe dọa của thiên nhiên, văn hóa là một phương tiện, một công cụ, một vũ khí. Nền văn hóa tương lai theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nền văn hóa phát triển trên nền tảng tinh hoa các nền văn hóa nhiều dân tộc, bổ sung cho nhau và vẫn giữ cái bản sắc của riêng mình.
Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh là quán triệt tính tích cực xã hội trong xây dựng con người mới và tính tiên tiến là biết chọn lọc, kết tinh cái đẹp ưu việt của các nền văn hóa khác, biến cải nó phù hợp với truyền thống văn hóa và tâm thức dân tộc ta. Ngày nay, trong bước khó khăn của chặng đường phát triển, hội nhập đi lên của đất nước ta, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm ánh sáng soi đường cho chúng ta tiến bước.Tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi sáng và mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi đến dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.