Từ khi ra đời, máy tính đã làm thay đổi nhiều mặt trong cuộc sống. Sự phát triển ồ ạt của Công nghệ thông tin (CNTT) trong những thập niên gần đây đã thật sự làm nên cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, ảnh hưởng rất lớn đến hình thái sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của cả hành tinh.
Xã hội phát triển, sự quan tâm về giáo dục của xã hội, của các bậc phụ huynh dành cho trẻ em ngày càng sâu rộng cả về thể chất lẫn tinh thần. Ai cũng muốn con em mình trở thành “con ngoan, trò giỏi”, đó là mong muốn rất chính đáng, nhưng cách thức dạy bảo, hướng hành vi các em đến “chân, thiện mỹ” thì mỗi nhà mỗi khác. Giáo dục trẻ em là một phạm trù rất rộng, trong phạm vi bài viết này người viết chỉ muốn nêu lên những bất cập trong việc giáo dục trẻ em tiếp cận với máy tính và những hiểm họa khi trẻ tham gia vào internet.
Máy vi tính, Internet có vai trò rất lớn trong việc mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục trẻ em nói riêng. Các em có thể sử dụng các phần mềm dạng "Gia Sư" để tự học, tự rèn luyện để nắm vững kiến thức các môn học được ở trường; rèn luyện kỹ năng về ngoại ngữ như nghe, nói, viết, đọc hiểu.... Các em còn có thể truy cập các loại từ điển khác nhau, những sự kiện được cập nhật hàng ngày trong ngành học, tiếp cận với các thư viện và nhiều thông tin có ích khác trên mạng. Không những thế, chúng còn có thể hòa nhập vào một thể giới ảo mà thực giống như đời thực để chơi game, liên lạc với bè bạn và khai thác nguồn thông tin gần như vô tận mà lại luôn có sẵn. Thực là hấp dẫn! Với dân số toàn thế giới, trong đó có trẻ em, máy tính và Internet ngày càng giữ vai trò không thể thiếu trong cuộc sống.
Được sinh ra và lớn lên trong một môi trường tràn ngập thông tin và thiết bị hiện đại như thế thì sự ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển về thể chất và tâm hồn của trẻ em là không thể tránh khỏi. Những lợi ích mà sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung và máy vi tính nói riêng mang lại là không thể chối cải, nhưng kèm theo đó là không ít những tác hại về thể chất và tinh thần, những mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức xã hội đang có nguy cơ bị lãng quên.
Ở Việt Nam ngày nay, có lẽ chẳng còn ai ngạc nhiên khi trông thấy một đứa trẻ 8-9 tuổi sử dụng chuột máy tính một cách “sành điệu” để chơi game, còn với lứa lớn hơn một chút thì có thể ngồi hàng giờ liền vừa lướt web (khai thác thông tin trên mạng toàn cầu) vừa chat (tán gẫu) trên Internet một cách rất say mê và thành thạo. Là thời đại thông tin nên việc nắm bắt, sử dụng làm chủ thông tin như thế nào là rất quan trọng. Với chúng ta - những người trưởng thành việc chọn lọc thông tin có ích từ nhiều nguồn thông tin vừa đa dạng vừa phong phú như hiện nay là không phải dễ, với trẻ em - trẻ vị thành niên thì việc đó lại càng khó khăn hơn.
Nguời viết đã có dịp chứng kiến nhiều gia đình tạm gọi là khá giả, vì muốn cho con em họ làm quen với máy vi tính, làm quen với công nghệ thông tin để sau này khỏi “thua bè thua bạn” nên họ bỏ tiền mua một dàn máy vi tính thuộc loại “đời mới” “cho nó học lần lần” dù các em tuổi còn rất nhỏ. Để rồi sau đó là hàng giờ liền các em dán mắt vào màn hình máy tính với những trò chơi đầy tính bạo lực (hiện tại hiếm có trò chơi điện tử mang tính giáo dục mà thu hút được các em). Đành rằng nhu cầu giải trí đối với các em là rất cần thiết, nhưng để tìm được trò chơi vừa tiêu khiển vừa có tính giáo dục thẩm mỹ, khơi dậy những đức tính tốt đẹp của con người là không dễ dàng; vả lại nếu như tìm được trò chơi như thế thì chưa chắc thu hút được các em. Về thể chất, ở lứa tuổi quá nhỏ như các em (lứa tuổi dưới 10) tiếp xúc nhiều với máy vi tính là không tốt: những tia có bước sóng ngắn phát ra từ màn hình có thể làm tổn thương, gây bệnh tật cho mắt; ngồi lâu trước máy làm tăng nguy cơ bệnh cột sống; tiếp xúc nhiều với máy còn có nguy cơ “máy hóa” các em, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì những em tiếp xúc với máy tính nhiều giờ trong ngày thì thường có biểu hiện thụ động trong sinh hoạt, thể chất yếu ớt hơn bình thường, ít năng động, linh hoạt, sáng tạo trong các trò chơi ngoài trời,...
Ngoài ra còn có nhiều hiểm họa tiềm ẩn khi trẻ truy cập Internet mà không phải bậc cha mẹ nào cũng nhận ra:
- Thông thường, cha mẹ dạy con rất kỹ lưỡng trong việc không được nói chuyện với người lạ, không mở cửa cho bất cứ ai lúc ở nhà một mình, tiếp chuyện qua điện thoại thì không được khai vanh vách các thông tin nội bộ gia đình. Ngoài ra, con cái đi đâu, tiếp xúc với ai, quan hệ với ai, xem chương trình truyền hình nào, đọc sách gì, tạp chí gì...đều được cha mẹ để tâm tích cực. Nhưng có một điều lạ lùng là nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra lơ là khi bỏ mặc con tự do, thoải mái trước màn hình máy tính nối mạng Internet. Ở đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại cho sự an toàn của con bạn về mặt tâm, sinh lý cũng như ảnh hưởng đến túi tiền của gia đình. Bạn sẽ nghĩ gì khi mình không cần phải chịu trách nhiệm gì cho lời nói của mình, trong môi trường Internet điều đó thường xuyên diễn ra (vì lúc đó không ai biết bạn là ai và đang ở đâu), nhất là khi chat. Ở đó giống như một sân khấu công cộng, tự mình chọn vai rồi tự mình diễn xuất. Chúng ta có thể xem đó là một sân chơi dạng “vô thưởng vô phạt” nhưng đối với trẻ em thì có tác hại vô cùng: việc nối dối, nói những chuyện nhảm nhí thường xuyên như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các em sau này.
- Khác với các thư từ nhận được một cách thông thường qua đường bưu điện hay khách khứa đến nhà chơi, thư điện tử và diễn đàn tán gẫu là các hoạt động dễ dàng thoát khỏi sự kiểm tra của bố mẹ. Cái nguy hiểm là những hậu quả khó lường khi con cái lại cho người lạ những thông tin thuộc loại phải giữ gìn kỹ lưỡng như mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ....hay nghiêm trọng hơn là chúng lại hẹn gặp "người ảo" bằng xương bằng thịt ngoài đời.
- Ngoài ra, nhiều gai độc khác mà Internet có thể đặt dưới chân con bạn như: vô tình kích hoạt các chương trình tự động quay số ra nước ngoài (quay số ngoài nước cước phí rất đắt), vào các địa chỉ web đen không phù hợp với lứa tuổi hay những thông tin, hình ảnh quá mạnh mang đầy tính hận thù, bạo động và kích dục, những quảng cáo vô bổ, nhảm nhí, không lành mạnh...Những địa chỉ web đen có thể tự động ập tới trước màn hình mà chẳng có bất cứ rào cản nào trên Internet. Trẻ con vốn thường bị dụ dỗ dễ dàng. Một hình ảnh động, nhấp nháy màu sắc sẵn sàng lấy mất hàng giờ của đứa bé thay vì đó có thể là những khoảng thời gian quý báu nó có thể làm bao chuyện khác có lợi hơn nhiều như: đọc sách lành mạnh, chơi thể thao, hay tham gia các hoạt động xã hội. Không những thế, các hình ảnh không lành mạnh còn ám ảnh các em, thậm chí có khi còn nảy sinh ra ý muốn thực hiện theo...
Đã đến lúc máy vi tính và Internet trở thành phương tiện phổ thông, là công cụ làm việc không thể thiếu của nhiều người, nên các bậc cha mẹ hãy để ý đến những lời khuyên của các chuyên gia kinh nghiệm:
- Nhất thiết phải giới hạn thời gian mỗi ngày cho phép con sử dụng máy tính (không nên quá 3 giờ mỗi ngày), giới hạn thời gian truy cập trên Internet. Đây coi như là một loại hợp đồng vô hình mà cả hai bên cùng nghiêm túc thi hành.
- Hướng dẫn các em sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập trực quan và theo dõi quá trình học tập đó. Và hơn thế nữa, phải giúp cho các em hiểu được rằng: tuy máy tính là công cụ trợ giúp học tập đắc lực nhưng cũng không thể thay thế được sách. Vua phần mềm máy tính - Bill Gates đã từng trả lời phỏng vấn khi được hỏi về bé gái 5 tuổi con ông: "Dĩ nhiên con tôi sẽ sử dụng máy tính nhưng nó phải biết đọc sách trước đã". Mặc dù hiện nay có rất nhiều đầu sách được điện tử hóa nhưng việc đọc sách trên máy tính rất mỏi mắt và không hiệu quả như đọc sách truyền thống.
- Tìm cho các em những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, có tính giáo dục, có tính thẩm mỹ, phát huy được khả năng tư duy sáng tạo và xử lý tình huống của các em. Không nên cho các em chơi những trò chơi quá bạo lực, kinh dị (thường là những trò thuộc thể loại hành động dành cho người lớn). Quản lý được thời gian lên mạng chơi game online của các em, đừng để các em bị "lậm" bất cứ trò chơi nào, giải thích cho chúng hiểu rõ game chỉ là phương tiện giải trí, không phải là mục đích phấn đấu.
- Phải dạy cho con biết cách nói chuyện thận trọng với những nick ảo (tên khác tên thật dùng tán gẫu) trong một diễn đàn tán gẫu cũng giống như nói chuyện thật ngoài đời với người lạ mặt. Tuyệt đối không bao giờ cho các dữ kiện và thông tin có tính gia đình hay cá nhân cho một người khác hay một trang web nào đó. Một điều tối quan trọng nữa là dạy cho trẻ đừng bao giờ dễ dàng chấp nhận đi ra đường gặp một người nào đó quen qua mạng. Nhắc nhở cho trẻ biết rằng không phải bất cứ cái gì nó thấy, nghe hay đọc trên các trang web đều đúng tuyệt đối cả. Nên sử dụng kín đáo các thiết bị mà các dịch vụ cung cấp giúp phụ huynh kiểm soát con cái hay dùng các chương trình giới hạn các loại dịch vụ không phù hợp với lứa tuổi chúng. Chỉ cho con em sử dụng thư điện tử khi biết nó đủ khôn lớn.
Tóm lại, sự phát triển nào cũng có tính hai mặt của nó, công nghệ thông tin cũng không ngoại lệ. Hy vọng bài viết này có thể giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn về những ảnh hưởng của máy tính và Internet tới con em mình để rồi có những biện pháp hữu hiệu khi cho con sử dụng máy tính để học tập, giải trí cũng như bảo vệ chúng khỏi những mầm mống nguy hiểm lây nhiễm từ Internet.