Trong giao tiếp hàng ngày có người được coi là “lầm lì ít nói” ngược lại có người được liệt vào loại ba hoa “nói hết phần người khác”. Vậy nói như thế nào là vừa phải ? Từ xưa ông bà ta trong phong cách giao tiếp cư xử hàng ngày đã tỏ ra rất tinh tế, rất lịch thiệp. Người xưa cũng dạy ta biết “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Trước hết lời nói phải đi đôi với việc làm. Tốt nhất là làm nhiều, nói ít, làm nhiều hơn nói. Ông bà xưa rất ghét kẻ nói nhiều làm ít và liệt họ vào loại “mồm mép đỡ chân tay”.
“Nói chín thì nên làm mười
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”
Nói mười làm chín tức nói chỉ nhiều hơn làm tí chút thôi mà lại bị “kẻ cười người chê” nếu như “nói mười làm hai, ba” người ta còn lên án đến mức nào. Ấy thế mà ngày nay có những kẻ “ nói mười” nhưng không làm hoặc chỉ “làm một, hai” lấy lệ, tệ hơn là làm khác đi mà vẫn lên mặt dạy đời thì thật đáng phê phán. Người tà thường mỉa mai những hạng người này bằng câu nói: “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”.
Những người được tiếng là “khôn” là hiểu biết hơn người thì cũng không nên nói nhiều “nói dai” “nói dài” dễ dẫn đến “nói dại”.
“Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
Con người chỉ cần 2 năm để học nói nhưng phải cần đến 60 năm để học được cách giữ gìn lời ăn tiếng nói .Trong nói năng giao tiếp hàng ngày, người ta cũng có phân biệt nam, nữ.
Đối với nữ giới, người ta đòi hỏi sự nhỏ nhẹ, dịu dàng dễ thương.
“Người thanh tiếng nói càng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”, hoặc:
“Một yêu tóc bỏ đuôi gà
Hai yêu ăn nói mặn mà, có duyên”.
Ngược lại đối với nam giới người ta thích những cá tính mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng không được “ăn sóng, nói gió”. Ông bà xưa dạy ta phải biết nói năng đúng mực. Bởi vì lời nói rất quí báu nhưng im lặng còn quí hơn “ lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Vì vậy cần phải thận trọng “Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói (ngạn ngữ Pháp). Có những lời nói tác hại không nhỏ đến bản thân ta hoặc người khác “Một lời nói, một đọi máu”. Nói như thế không có nghĩa là ta phải im lặng, không nói gì theo kiểu “Ngậm miệng ăn tiền” mà biết nói đúng lúc đúng chổ, mặt khác phải biết nghe người đối thoại với mình: “Nói ít thôi về những gì ta biết, im lặng hoàn toàn về những gì ta không biết”. Ông bà ta cũng dạy ta phải biết nói đúng sự thật, không “Ăn ốc nói mò” vô trách nhiệm và cũng không “Ăn không nói có” để hại người. Trong ứng xử, tuỳ người mà ta có cách nói sao cho hợp lý:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Muốn thế, ta phải hiểu tâm lý người đối thoại với mình. Có người chỉ cần nói ý tứ xa xôi mà họ tự hiểu. Đối với những người này, ta nói “toạc móng heo” ra thì họ cho là thô lỗ thiếu tế nhị. Ngược lại có người có việc lại cần phải nói thẳng, nói thật, chứ không thể “úp úp, mở mở” dể gây hiểu nhầm. Ngay khi phê bình cũng thế, không phải ai cũng như ai. Có người phải phê bình kịch liệt may ra mới chuyển nhưng những người giàu lòng tự trọng lại chỉ nên “nhẹ nhàng”:
“Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người ngoan ai nỡ nói câu nặng lời”.
Trong đối nhân xử thế cần phải cân nhắc, suy nghĩ, thận trong,…Bởi vì, nó biểu hiện trình độ hiểu biết, trình độ văn hoá của mỗi người. Đòi hỏi tính khiêm tốn phải được đặt lên hàng đầu. Đừng nghĩ cái gì ta cũng biết, cũng đúng: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta chưa biết mênh mông như đại dương”(Anhxtanh). Cần phải biết nói nhưng trước hết phải biết lắng nghe để học hỏi “Học thầy không tày học bạn” và “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Và cuối cùng, những khi gặp nhau, xin bạn một lời chào, một lời chào thật nhiệt thành. Vì theo quan niệm truyền thống của dân tộc ta “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.