Xuất phát từ phương châm “Lý luận liên hệ với thực tiễn”, trong công tác giảng dạy các môn khoa học lý luận chính trị, quản lý nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; từ đặc điềm đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị - chủ yếu cán bộ cơ sở nên đòi hỏi giảng viên phải nắm vững tình hình thực tế ở cơ sở, phải có khả năng lý giải và giải quyết các tình huống đang đặt ra về kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, trong Quy chế giảng viên trường chính trị cấp tỉnh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trước đây ban hành (theo Quyết định số 22/HVCTQG, ngày 3/11/1998) có quy định một trong những nhiệm vụ của giảng viên là hàng năm phải nghiên cứu thực tế, tham gia tổng kết thực tiễn.
Thời gian qua, giảng viên Trường Chính trị Phạm Hùng hàng năm đều thực hiện chế độ đi nghiên cứu thực tế, nhất là đi xuống cơ sở xã, phường, thị trấn. Để việc đi thâm nhập thực tế của giảng viên đạt hiệu quả cao, Trường gắn việc đi nghiên cứu thực tế của giảng viên hàng năm với nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường (đề tài cấp cơ sở) do các khoa chủ trì. Đề tài đi sâu vào các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở, sát với đối tượng Trường có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng. Việc nghiên cứu đề tài thực tiễn, một mặt là tạo điều kiện cho giảng viên đi xuống cơ sở nằm bắt tình hình thực tế, mặt khác để nghiên cứu lý giải những vấn để thực tiễn đang đặt ra ở cơ sở. Kết quả nghiên cứu, chủ yếu là phục vụ cho giảng dạy, đồng thời cũng giúp nhà Trường có định hướng, biện pháp tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt chất lượng, hiệu quả hơn và sát với nhu cầu của cán bộ cơ sở hơn.
Đi nghiên cứu thực tế gắn với nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy nói riêng, đào tạo của Trường nói chung là rất cần thiết, bổ ích, nó đáp ứng được mức độ nhất định trong vận dụng lý luận vào thực tiễn, trong giảng dạy nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới quan sát, tìm hiểu, phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp trên lĩnh vực mình nghiên cứu chứ chưa có đủ điều kiện, thời gian để hiểu tường tận, thấu đáo, tích lũy kinh nghiệm cần thiết trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Với chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh theo Thông báo Kết luận số 181-TB/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là "đào tạo cơ bản" và "bồi dưỡng theo chức danh" cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở đảm bảo tính cơ bản, thiết thực" thì đòi hỏi đội ngũ giảng viên của Trường phải am hiểu tình hình thực tế, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở và có khả năng chỉ ra cách giải quyết tình huống trong phạm vi chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các chương trình bồi dưỡng chức danh.
Để đội ngũ giảng viên của Trường có vốn thực tiễn sâu sắc, phong phú, ngoài hình thức nghiên cứu thức tế gắn với nghiên cứu đề tài khoa học như đã làm thì Trường phải nghiên cứu để tham mưu với Tỉnh ủy cho chủ trương và có kế hoạch dài hạn cử giảng viên luân chuyển xuống công tác ở cơ sở theo tinh thần Thông báo Kết luận số 181-TB/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư, đó là "... quy định chế độ và định kỳ luân chuyển giảng viên đi thực tế cơ sở ...".
Việc luân chuyển giảng viên đi thực tế ở cơ sở, qua tìm hiểu đã có một số trường chính trị tỉnh bạn đã làm, thậm chí có trường làm cách đây rất lâu; nhưng đối với Trường Chính trị Phạm Hùng Vĩnh Long, chỉ mới là dự định và có thể thực hiện như sau:
- Đối với giảng viên trẻ mới vào nghề, cần có thời gian tiếp cận, nắm bắt tình hình hoạt động ở cơ sở, va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống. Đối tượng này nên đưa xuống tham gia công tác ở cơ sở với tư cách là một cán bộ tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra hay cán bộ chuyên môn của ủy ban nhân dân (hỗ trợ thêm về nhân sự cho cơ sở) khoảng 2 năm.
- Đối với giảng viên tuổi đời còn trẻ, có phẩm chất, năng lực làm lãnh đạo, quản lý cần đưa xuống tham gia cấp ủy cơ sở một nhiệm kỳ, giữ chức vụ phó bí thư hay chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã. Đây là vấn đề khó vì nó liên quan đến nhân sự cấp ủy, chính quyền, đến sự tín nhiệm của cán bộ đảng viên và nhân dân nơi công tác, đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người được luận chuyển xuống cơ sở nên phải có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương có cán bộ của Trường luân chuyển xuống công tác. Giảng viên luân chuyển xuống cơ sở, khi hết nhiệm kỳ công tác trở về Trường nhận nhiện vụ, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác thì đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cao hơn (cấp khoa, cấp trường). Nhưng điều quan trọng hơn, với cách làm này Trường sẽ có một lực lượng giảng viên nòng cốt có đủ khả năng kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và giảng dạy về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cơ sở.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và cơ sở tiếp nhận, lương cùng các chế độ khác của giảng viên được giữ nguyên do Trường chi trả; về nhân sự do đơn vị cơ sở quản lý như một cán bộ, công chức của đơn vị. Giảng viên được phân công xuống công tác ở cơ sở vẫn tiếp tục giảng dạy một số bài như là một giảng viên thỉnh giảng của Trường, vừa để không bị gián đoạn trong quá trình giảng dạy vừa để từng bước đưa kiến thức thực tiễn thu nhận được vào bài giảng.
Nếu chúng ta làm tốt điều này sẽ từng bước khắc phục được nhược điểm từ trước đến nay là "giảng viên còn thiếu kiến thức thực tế" và sẽ nâng cao tính thiết thực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.