Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (9/1949-9/2009)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, Tổng Bí thư nói: “Cần phải suy nghĩ thấu đáo để thực hành một cách nghiêm túc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa học và hành, không có lý luận thì giống như người đi đường trong đêm tối. Nhưng Người cũng cảnh báo về bệnh lý luận suông, bệnh giáo điều trong tư duy lý luận. Trong công cuộc đổi mới của chúng ta, Đảng ta luôn nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận”.
Trên tinh thần đó, Trường Chính trị Phạm Hùng cũng cần nghiên cứu, suy nghĩ để thực hiện. Đây cũng là việc làm thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chủ đề “ Nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Trường Chính trị Phạm Hùng hiện nay có 29 giảng viên trong đó có 6 giáo viên kiêm chức, tất cả giáo viên đều có trình độ đại học, có những giảng viên có 2 bằng đại học trong đó có 10 giảng viên có trình độ thạc sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau ( Triết, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh tế-Chính trị, Xây dựng Đảng, Hành chính, Luật ). Với một đội ngũ tri thức có trình độ lý luận, có kiến thức trên nhiều lĩnh vực như vậy, nếu tạo điều kiện thuận lợi và có sự quyết tâm của giảng viên thì đội ngũ giảng viên của Trường có khả năng tham gia góp ý vào công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương nhất là ở cấp xã.
Tuy nhiên hiện nay, đa số giảng viên kiến thức thực tế còn ít, nhất là các giảng viên trẻ, thiếu kiến thức về kỹ năng hoạt động thực tiễn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra, thậm chí nhiều quy định cụ thể của Đảng và nhà nước trong tổ chức thực hiện ở địa phương một số giảng viên chưa hiểu rõ. Vì vậy chưa thực hiện thật tốt việc tham gia góp ý kiến vào việc giải quyết các vấn đề thực tế ở địa phương.
Cần nhắc lại lời dạy của Bác, Bác đánh giá cao vai trò của những người trí thức, nhưng Bác cũng chỉ ra những khuyết điểm của một số người trí thức và cách khắc phục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “.... Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, những người trí thức cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế”. Lời dạy đòi hỏi người giảng viên phải biết vận dụng kiến thức đã có, lý luận đã học vào công việc thực tế. Là giảng viên nhiệm vụ chính là giảng dạy. Vì vậy, giảng viên tham gia vào công việc thực tế là tham gia góp ý vào công việc thực tế ở địa phương, chứ không phải trực tiếp tổ chức thực hiện các công việc ở địa phương. Làm được việc này sẽ giúp cho giảng viên khắc phục được nhược điểm thiếu kiến thức thực tế của mình, mặt khác trong quá trình tham gia góp ý sẽ từng bước nâng cao kỹ năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn ở địa phương, từ đó mà giảng dạy sát thực tế, thực hiện tốt mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn.
Tùy theo thời gian và điều kiện cụ thể của mỗi người, của Nhà trường, trong thời gian tới, giảng viên có thể từng bước tham gia hoạt động thực tế ở địa phương qua các hình thức sau đây:
Thứ nhất: góp ý về việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước ở cấp xã:
Góp ý về việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước ở cấp xã là công việc mà nhiều cán bộ, giảng viên có thể làm được, chỉ cần khảo sát kỹ để hiểu rõ tình hình thực tế ở cơ sở. Hình thức này thể hiện qua các việc như trong lúc đi thực tế, nếu địa phương có gợi ý, muốn lắng nghe ý kiến, thì cán bộ, giảng viên có thể góp ý về một số mặt liên quan trực tiếp đến chuyên môn giảng dạy của mình như: công tác văn thư-lưu trữ, cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, hòa giải tranh chấp đất,... Việc góp ý đúng sẽ làm cho cán bộ ở cơ sở suy nghĩ lại về việc làm của mình để có thể làm đúng hơn và uy tín của giảng viên sẽ tăng lên.
Thứ hai: tham gia góp ý việc lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chính sách,kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh:
Hình thức này thể hiện qua các việc như: góp ý dự thảo Nghị quyết, dự thảo chương trình hành động của Tỉnh ủy, góp ý dự thảo chủ trương, biện pháp, đề án, dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, . . . của HĐND, UBND tỉnh. Đây là việc làm rất khó, đòi hỏi phải có một quá trình tìm hiểu toàn diện tình hình thực tế của tỉnh nhà đã và đang diễn ra, đồng thời phải có suy nghĩ, nghiên cứu để vận dụng kiến thức lý luận mà góp ý cho có cơ sở lý luận, có cơ sở khoa học. Quá trình này lâu hay mau là tùy thuộc sự phấn đấu của mỗi người, nhưng nhìn chung với kiến thức thực tế như đa số giảng viên hiện nay thì phải có thời gian vài năm.
Thứ ba: góp ý giải quyết các tình huống phức tạp ở cấp xã:
Trong lãnh đạo, quản lý ở cấp xã thường phải giải quyết nhiều tình huống, có những tình huống đơn giản dễ giải quyết, chỉ cần kiến thức và kinh nghiệm thực tế thì có thể giải quyết được, giải quyết đúng. Nhưng cũng có những tình huống phức tạp, khó giải quyết, có liên quan đến nhiều vấn đề, đòi hỏi phải hiểu rõ để vận dụng quan điểm, đường lối, lý luận khoa học, chính sách, pháp luật, quy định cụ thể của Đảng và nhà nước thì mới có thể giải quyết đúng. Những tình huống như vậy cần có sự tham gia góp ý của những người có trình độ cao, có kiến thức chuyên môn sâu và của nhiều người. Là trường giảng dạy về lý luận, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cơ sở, thiết nghĩ giảng viên của Trường Chính trị Phạm Hùng cần tham gia góp ý kiến vào giải quyết các tình huống phức tạp, khó giải quyết đó ở địa phương. Tham gia góp ý kiến vào việc giải quyết các tình huống giúp cho giảng viên có kiến thức thực tế, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tế, từ đó mà có điều kiện để áp dụng phương pháp tình huống vào giảng dạy, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Thứ tư: Thực hiện các đề tài khoa học:
Hằng năm các khoa có thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học, có những đề tài nghiên cứu để phục vụ cho công tác quản lý, đào tạo, giảng dạy ở nhà trường, nhưng cũng có những đề tài để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý của địa phương, cơ sở. Các đề tài để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý của địa phương, cơ sở cần có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở để một mặt kế thừa kinh nghiệm thực tế, mặt khác qua kết quả nghiên cứu của để tài mà góp ý, chuyển giao kết quả cho địa phương để có thể nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý.
Thứ năm: tham gia góp ý thực hiện chỉ thị 01/TU:
Từ Thông tri 04 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Nghị quyết
Trung ương 5 về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ra Chỉ thị số 01/TU về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong tỉnh Vĩnh Long. Trong Quyết định số 1744-QĐ/TU về việc phân công ngành tỉnh và cán bộ ngành tỉnh chỉ đạo cơ sở thực hiện Chỉ thị 01/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công Trường Chính trị Phạm Hùng chỉ đạo xã Thanh bình của huyện Vũng Liêm. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa bao trùm các nội dung cơ bản: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng thực lực chính trị. Kiến thức chuyên môn của mỗi giảng viên đều có liên quan đến nội dung của cuộc vận động, vì vậy giảng viên có điều kiện cùng với lãnh đạo nhà trường đi xuống cơ sở, tìm hiểu tình hình thực tế và tham gia góp ý chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01/TU đối với xã Thanh Bình. Làm tốt việc này vừa là thực hiện tốt nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao vừa là cách thức để giảng viên thâm nhập vào thực tế ở và nâng cao kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Mặc dù hiện tại kiến thức thực tế của giảng viên còn ít, nhưng họ có lý luận, kiến thức khoa học, nếu tạo điều kiện thuận lợi và mỗi người phấn đấu thì đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long có khả năng từng bước tham gia góp ý vào việc giải quyết các vấn đề thực tế ở địa phương, có thể góp phần thực hiện tốt hơn công tác lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó mà góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho nhân dân. Tham gia góp ý kiến vào việc giải quyết các vấn đề thực tế ở địa phương là việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần làm theo lời dạy của Bác về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, là việc làm cụ thể hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân” của người giảng viên giảng dạy lý luận. Đồng thời qua đó đội ngũ giảng viênTrường Chính trị Phạm Hùng ngày càng trưởng thành, uy tín từng bước được nâng lên.