Bụi phấn! Ôi, bụi phấn bay trên tóc thầy, ta nhìn thầy suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Bụi phấn nhẹ bay, để lại sự hy sinh thầm lặng, để lại những lo toan, để lại lòng thương yêu của người thầy đối với học sinh. Em Phi Tuyết Ba đã nhìn thấy được chữ Tâm trong đó.
Trang trời xanh thẩm hôm nay,
Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu.
Sông đời bất chợt nông sâu,
Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm
Cái tâm là nhân từ , rộng lượng, vị tha mà người Thầy nào cũng có để hết lòng chăm lo, thương yêu học sinh của mình. Học trò đến với Thầy, đâu phải chỉ học chữ thôi mà còn học đạo đức để trở thành người tốt, có ích cho xã hội “học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm”. “Chữ Tâm” từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối tiếp nhau mãi mãi. Cho nên đang ngồi trên ghế nhà trường, em đã thấy bụi phấn bay hay mầu thời gian vương trên tóc thầy:
Con biết viết gì trong sáng hôm nay.
Bụi phấn mỏng tang mà rơi như rất nặng.
Màu thời gian vương tóc thầy điểm trắng,
Mà con thì lo vớ vẩn xa xôi.
(Phan Thuý Thảo - lớp 11)
Đọc bốn câu thơ trên, dường như bản kiểm điểm. Nhưng thật ra là cả tấm lòng thương thầy cô vô hạn mới nói lên được vần thơ từ đáy lòng mình, “Bụi phấn mỏng tang mà rơi như rất nặng... vương tóc thầy điểm trắng... Mà con thì vớ vẩn xa xôi”.
Có một thời, có những lúc người ta xem nhẹ nghề giáo , coi đó là nghề bạc bẻo, gắn với những câu ví như: “lái đò sang sông”, “nghề bán cháo phổi”, “chuột chạy cùng sào nhào vô sư phạm”. Nhưng vượt qua tất cả, người thầy chân chính vẫn đứng vững trên bục giảng, vì quanh thầy có lớp lớp học trò luôn gần gũi, gắn bó, em Trần Thị Ngọc Lan, học sinh lớp 12 viết:
Phấn vẫn thế trắng một màu muôn thuở,
Nặng nghĩa tình trỉu mái đầu cô.
Để chiều nay em lại hoá ngây thơ
Nhặt bụi phấn kết cho mình áo trắng.
Phải có lòng thương yêu sâu đậm, phải có cái nhìn sâu sắc, có một tâm hồn bay bổng, lạc quan, em mới viết nổi câu: “Nhặt bụi phấn dệt cho mình áo trắng”.
Bụi phấn từ đời thường khi bước vào thơ văn đã trở thành “mây trắng”, “chiếc cầu” gieo chữ Tâm ,“dệt áo trắng”... cho thế hệ mai sau, lưu dấu đạo đức trong sáng, cao đẹp của người thầy, người thuộc về một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.