Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Vĩnh Long có Chương trình hành động về việc thực hiện vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngày 07/4/2009 Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 08./2009/QĐ-UBND về xây dựng đề án “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020”, gọi tắt là “Đề án tam nông” trên địa bàn tỉnh.
Xét về mặt vị trí thì nông nghiệp và nông thôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trên cùng một địa bàn. Xét về mặt nội hàm thì nông nghiệp là một bộ phận của nông thôn, nằm trong nông thôn. Nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội đang sống trên địa bàn nông thôn, là chủ thể và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Để thực hiện thành công đề án tam nông cần phải sử dụng tổng hợp các nguồn lực như: vốn, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực… Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết nầy tôi chỉ xin đề cập đến nguồn nhân lực, bởi vì trong các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thì nguồn nhân lực luôn giữ vai trò quyết định.
Xét về nguồn nhân lực trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay ta thấy: Lao động nông nghiệp năm 2005 là 68,6%, năm 2007 là 66% và đến 2008 còn chiếm trên 60% lao động của tỉnh (1). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ gần 4% lao động nông thôn được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, còn lại chủ yếu là làm theo phương pháp cha truyền con nối, làm theo kinh nghiệm, hoặc học hỏi bạn bè… Một số ít tham gia các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn tại địa phương, nhưng do trình độ hạn chế nên việc tiếp thu và ứng dụng các chuyển giao khoa học chưa được như mong muốn, nên hiệu quả chưa cao. Nói cách khác họ không đủ khả năng giải quyết những vấn đề của sản xuất đặt ra như mong muốn, nên đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy để thực hiện tốt Đề án tam nông của tỉnh, nhằm nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, thì cần thiết phải có sự hỗ trợ đắc lực từ phiá Nhà nước, đó chính là nguồn nhân lực có đủ khả năng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đó cũng chính là quá trình CNH, HĐH nông thôn. Để có được nguồn nhân lực có đủ khả năng làm điều đó đòi hỏi tỉnh phải có những chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm thu hút nhân tài, đội ngũ trí thức về công tác tại địa bàn nông thôn, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương.
Trước mắt tỉnh cần bố trí lại các kỹ sư Nông học đang công tác tại các xã, phường hiện nay cho đúng với ngành nghề, chuyên môn đã được đào tạo. Trên thực tế hiện nay không ít xã, phường trong tỉnh không mạnh dạn phân công các kỹ sư nầy phụ trách nông nghiệp. Vì theo quy định thì cán bộ phụ trách nông nghiệp không thuộc công chức cấp xã và do đó không có lương, mà chỉ hưởng phụ cấp, không được nâng lương theo niên hạn, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Trong khi đó các kỹ sư nầy đã phải đào tạo hơn 4 năm mà chỉ hưởng phụ cấp là quá thiệt thòi. Do vậy, không ít xã, phường đã bố trí các kỹ sư nầy sang các chức danh khác, tuy trái với ngành, nghề được đào tạo nhưng là nằm trong chức danh biên chế cấp xã. Với cách làm như vậy, xét về mặt tiền lương, tiền công là đúng. Tuy nhiên nếu xét về mặt hiệu quả của việc bố trí, sử dụng thì cần phải xem lại.
Với gần 85% dân số sống ở nông thôn, hơn 60% lao động nông nghiệp, GDP từ nông nghiệp chiếm 53,5% , điều đó cho thấy Vĩnh Long vẫn là tỉnh nông nghiệp, vì vậy tỉnh cần rất nhiều kỹ sư và cán bộ nông nghiệp có trình độ chuyên môn về nông nghiệp cho hiện nay và mai sau. Tỉnh đã đào tạo cho mỗi xã ít nhất một kỹ sư nông học, nhưng còn nhiều người chưa được bố trí đúng ngành nghề chuyên môn, làm lãng phí nguồn nhân lực, nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp đã thiếu lại càng thiếu hơn, nông nghiệp và kinh tế nông thôn Vĩnh Long thiếu lực để phát triển.
Để thực hiện thành công Đề án tam nông, tỉnh cần nhanh chóng có chủ trương điều động số kỹ sư nông học hiện đang công tác trái ngành nghề tại các xã, phường về nhận công tác đúng chuyên ngành, đồng thời “Thực hiện các chính sách hỗ trợ vật chất và tinh thần nhằm giữ chân và phát huy kiến thức đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý có trình độ, năng lực phục vụ địa phương” (2)
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp nhận số sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường với các chuyên ngành phục cho sự phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn như: nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, thú y… “Thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ trí thức về công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn.” (3)
Việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn vừa là yêu cầu cấp bách đồng thời là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài, Vì vậy các ngành nông nghiệp, công thương, khoa học và công nghệ… cần có sự phối hợp để quy hoạch về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn…của đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý phục vụ cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phục vụ cho việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/4/2009. Trên cơ sở đó Trường Cao đẳng Cộng đồng và các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn hướng theo đó mà đào tạo để phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao cho địa phương. Sẽ là thiếu sót, nếu chúng ta không quan tâm đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật,… cho lao động nông nghiệp và nông thôn - lực lượng lao động đông đảo và là chủ công của CNH, HĐH nông thôn. Trong những năm gần đây trình độ tay nghề lao động nông thôn không ngừng được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển mới. Chất lượng lao động nông thôn vẫn còn rất thấp, quá trình lao động chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm của bản thân và tập quán cổ truyền. Sự phát triển nền nông nghiệp hiện đại, mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp, đòi hỏi phải có đội ngũ người lao động mới có trình độ học vấn, tay nghề đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao. Do đó, cần có chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng lao động “bứt ra” từ nông nghiệp, để tham gia vào các ngành nghề mới ở nông thôn. Vì vậy,một mặt các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề cần tập trung đào tạo các ngành, nghề gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và của thị trường lao động, mặt khác củng cố và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trung tâm dạy nghề ở các huyện, chú trọng đào tạo nghề phù hợp cho lao động ở các khu vực thị trấn, nông thôn và vùng dân tộc để đáp ứng nhu cầu lao động cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp Hòa Phú, khu công nghiệp Bình Minh, tuyến công nghiệp Cổ Chiên, xuất khẩu lao động...Ngoài ra để giải quyết lao động dôi thừa tại chỗ, hạn chế dòng người đổ xô vào thành thị, tỉnh cần có chủ trương chính sách đồng bộ về việc phục hồi và phát triển nghề truyền thống tại nông thôn.
Thực hiện thành công đề án tam nông của tỉnh sẽ là một bước phát triển mới, vững chắc kinh tế- xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, đồng thời thực hiện nhiệm vụ của đảng bộ đúng lời nhắc nhở của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa X) :“Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta".
(1), (2), (3): Đề án Tam nông tỉnh Vĩnh Long