Chiến lược phát triển nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2000–2010 đã nhấn mạnh: các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sẽ trở thành thiết bị dạy học chủ đạo trong nhà trường.
Công nghệ thông tin là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. phát triển nguồn nhân lực CNTT và ứng dụng CNTT trong giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định sự phát triển CNTT của đất nước (Trích Chỉ thị số: 55/2008/CT-BGDĐT)
Thực tế đã cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã góp phần làm thay đổi hình thức, phương pháp dạy và học truyền thống. Việc phối hợp các phương pháp truyền thống có sử dụng CNTT vào giảng dạy đã mang lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT vào giảng dạy thực sự không đơn giản chút nào. Bởi, khi thực hiện đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để giải quyết các yêu cầu về qui trình và nguyên tắc thiết kế bài giảng:
Thứ nhất, phải đưa ra được mục tiêu của bài học và cần xác định mục tiêu ở đây là mục tiêu học tập chứ không phải mục tiêu giảng dạy. Nghĩa là, sau khi học người học được gì ?
Thứ hai, lựa chọn kiến thức và xác định nội dung. Trên cơ bản là bám sát giáo trình, sắp xếp lại cấu trúc làm nổi bật nội dung trọng tâm, trọng điểm mà không làm sai lệnh mục đích yêu cầu của bài.
Thứ ba, sưu tầm các nguồn tư liệu hoặc xây dựng nguồn tư liệu bổ sung cho bài giảng (hình ảnh, âm thanh, phim...). Những tư liệu này phải được xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, nội dung, tính thẩm mỹ và được tổ chức, sắp xếp, lưu trữ sao cho khoa học.
Thứ tư, chọn phần mềm trình diễn, các ứng dụng hỗ trợ và các phần mềm chuyên dụng theo từng môn học.
Thứ năm, nên phân chia thời gian lên lớp sao cho ứng với mỗi thời gian là một hoạt động cụ thể : hướng dẫn ghi chép, đặt vấn đề, giải quyết bài tập, tổ chức hoạt động...Từ đó có thể xây dựng nội dung cho các trang (slide) trình chiếu thích hợp, đúng với yêu cầu đặt ra.
Thứ sáu, Chạy thử, kiểm tra và hiệu chỉnh các sai sót để hoàn thiện.
Ngoài các vấn đề đã nêu trên, trong thiết kế giáo án điện tử giáo viên cần tuân thủ các nguyên tắc trình bày sau đây :
- Màu nền (Background), màu chữ (Font color) : theo nguyên tắc tương phản giữa màu chữ và màu nền. Màu chữ không quá 3 màu tùy theo mục đích sử dụng khác nhau của văn bản; màu nền nên thống nhất chung cho các trang.
- Văn bản (Text) : trình bày ngắn gọn, cô đọng
- Phông chữ (Font) : dùng các phông chữ phổ biến ; không quá 3 cỡ chữ và cỡ chữ phải từ 28 trở lên.
- Kiểu chữ (Font style) : nên tận dụng thuộc tính chữ in đậm, nghiêng, chữ in hoa;
- Hiệu ứng (Effect) : Không nên lạm dụng quá nhiều hiệu ứng.
- Hình ảnh (Image), âm thanh (audio), phim (video) : phải rõ ràng, độ nét trung thực.
Như vậy để giải quyết tốt các yêu cầu trên. Đối với giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có niềm đam mê sáng tạo, sự nhạy bén, tính thẩm mỹ và có kiến thức nhất định về tin học. Đó là điều kiện cần để thực hiện tốt ý tưởng sư phạm của mình thông qua bài giảng có ứng dụng CNTT.