Thực hiện Quyết định số 1744 - QĐ/TU “Về việc điều chỉnh phân công ngành tỉnh và cán bộ ngành tỉnh chỉ đạo giúp cơ sở thực hiện
CT 01/TU...”. Trường Chính trị Phạm Hùng được Tỉnh Uỷ phân công chỉ đạo giúp xã Thanh Bình huyện Vũng Liêm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TU về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Năm 1996 là mốc khởi đầu của cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Từ đó đến nay, việc xây dựng khu dân cư văn hoá đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân nói chung và nhân dân xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm) nói riêng. Phong trào đã huy động được các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội khác cùng tham gia. Trong những năm qua, đảng bộ chính quyền địa phương đã đề ra những phương hướng và nhiệm vụ “xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân. Riêng trường Chính trị Phạm Hùng đã cử cán bộ thường xuyên xuống trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ cán bộ ở cơ sở nắm rõ để hướng dẫn người dân thực hiện tốt các tiêu chuẩn mà Chỉ thị 01/CT – TU đề ra. Đây là một cuộc vận động lớn mang tính toàn diện, có ý nghĩa thiết thực. Do đó, cần có sự nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp của các đoàn thể chính trị- xã hội và quần chúng nhân dân, cùng nhau chung tay xây dựng gia đình tiên tiến, gia đình văn hoá khu dân cư an toàn, đoàn kết, xanh - sạch - đẹp...
Thanh Lương là một trong những ấp đầu tiên của xã Thanh Bình, đạt danh hiệu “Ấp Văn hoá” sớm nhất xã (năm 2007) theo tiêu chí mới, tiếp đến là ấp Tân Bình (năm 2008). Với sự quyết tâm và phấn đấu của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, sự quan tâm hỗ trợ của các cán bộ trường Chính trị Phạm Hùng thì đến giữa Quí IV năm 2009, UBND xã sẽ đề nghị UBND huyện Vũng Liêm tiếp tục công nhận danh hiệu “ấp Văn hoá” cho 3 ấp tiếp theo.
Trước năm 2007, khi chưa đạt Ấp văn hoá,đời sống kinh tế người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống giao thông nông thôn còn nhiều hạn chế, thuỷ lợi chưa được khép kín, cây trồng bị ngập úng thường xuyên, gây nhiều thiệt hại tổn thất nặng nề cho người dân. Đường sá trơn trợt, lầy lội làm cho việc đi lại của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đến trường của các em học sinh mỗi khi đến mùa mưa lũ. Người dân còn có hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp, đá gà, đánh bài ăn thua bằng tiền...gây mất trật tự an ninh xã hội. Trước tình hình đó, đảng uỷ xã đã phân công Hội Nông dân ấp làm nòng cốt để xây dựng gia đình văn hoá thông qua các phương thức phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con, chăm lo phát triển, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, vật chất cho người dân... Các thành viên trong Ban vận động thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông, ; khuyến khích người dân dùng bột xử lý nước thay cho cách lóng phèn truyền thống; tuyên truyền giáo dục kiến thức về sức khoẻ, sinh sản cho người dân... Các thành viên trong Ban vận động còn trực tiếp vận động bà con làm hàng rào, cột cờ, khai thông cống rảnh, bụi rậm.
Từ khi đạt danh hiệu “ ấp Văn hoá” cho đến nay thì đời sống nhân dân nơi đây có sự chuyển đổi một cách rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Qua hơn 10 năm thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, ấp văn hoá, số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hoá ngày một tăng cao, đến nay đã có 98,4% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đến lớp; về tình hình giao thông giảm số vụ tai nạn và số người bị thương so với trước; trong ấp chỉ có từ 1 đến 2 hộ sinh con thứ 3; số hộ dùng bột xử lý nước đạt 96,2%; tất cả các nhà đều có cột cờ và hàng rào; tệ nạn xã hội và số người vi phạm pháp luật giảm một cách đáng kể. Hệ thống giao thông nông thôn được khép kín, vườn cây ăn trái của bà con được bảo vệ. Có 5,6 km đường đal thông xe hai mùa mưa nắng, các tuyến còn lại thì đều được bơm cát giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi.
Nhưng điều vui mừng lớn nhất của đảng uỷ, chính quyền địa phương và người dân nơi đây là đã chuyển đổi cho cây lác,rau màu thay thế cây lúa rất thành công. Phương châm “người đi trước hướng dẫn kỹ thuật cho người đi sau” từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch, thành phẩm và tiêu thụ. Tạo điều kiện việc làm và phát triển ngành nghề thủ công từ việc làm ra các sản phẩm từ cây lác. Hội Nông dân địa phương còn mời các nhà chuyên môn tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc” giúp bà con trong khâu chăm sóc các loại cây ăn trái như: sầu riêng, măng cụt, xoài cát Hoà lộc... tạo nên vùng chuyên canh về cây ăn trái xây dựng thương hiệu, đặc biệt như giống sầu riêng “Chuồng bò” của địa phương đã được mọi người biết đến; Có được những kết quả quả trên, không chỉ là công sức của cán bộ địa phương mà còn là sự phấn đấu không mệt mỏi của cấp uỷ, chính quyền, của các ban ngành đoàn thể, nhất là các thành viên trong Ban vận động và sự “ tự góp công, góp sức” của từng người dân địa phương một cách bền bỉ trong thời gian qua.
Từ phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở xã Thanh Bình đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong việc đóng góp quỹ xây dựng ấp văn hoá như: Công ty Cổ phần Thuỷ sản Cổ Chiên đóng góp 30 triệu đồng để xây dựng trụ sở ấp Thông Lưu; gia đình bà Nguyễn Thị Xuân đóng góp 60 triệu đồng tiền mặt xây dựng đường giao thông nông thôn; bà Đinh Thị Ba (ấp Thông Lưu) đóng góp 20 triệu đồng xây trường Mẫu giáo; bà Phạm Văn Thi (ấp Lăng) đóng góp 30m2 xây trụ sở ấp; bà Huỳnh Thị Hà (ấp Thanh Khê) đóng góp 6 triệu đồng... và nhiều hộ dân khác còn hiến đất để làm đường, xây dựng trụ sở ấp, các sân bóng, các điểm đọc sách...Với những tấm gương tiêu biểu trên cần phải được biểu dương khen thưởng và cần nhân rộng không những trong toàn xã mà còn rộng xa hơn nữa trong nhân dân. Với đà này thì danh hiệu “Xã Văn Hoá” đối với chính quyền và nhân dân xã Thanh Bình sẽ sớm đạt được trong một tương lai gần.