Có những công việc tưởng chừng như bình thường nhưng có những ý nghĩa hết sức lớn lao và vẫn được duy trì đều đặn.
Có những chặng đường dài dẫu nắng mưa vất vả, với tấm lòng đầy nhiệt huyết, chặng đường dài cũng không ngăn được bước chân đi…
“Phiếu khảo sát, giấy đi đường cô chuẩn bị xong chưa?”
“Dạ, đủ cả rồi thầy !”
“Vậy ra cổng, chúng ta đi”!
Đó là bắt đầu những ngày đi thực tế của chúng tôi trong năm…
Đi thực tế là một hoạt động quen thuộc đối với giảng viên trường
Chính trị. Đi thực tế là tìm hiếu, quan sát, nghiên cứu và nắm bắt tình hình thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước diễn ra trực tiếp tại cấp xã, phường, thị trấn. Theo “Quy chế giảng viên” của trường, đi thực tế là một nhiệm vụ của giảng viên hàng năm. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền lợi của giảng viên vì qua đó sẽ cung cấp những kinh nghiệm trong thực tiễn công tác quản lý nhà nước cho giảng viên trong việc giảng dạy. Với tinh thần đó, chúng tôi xem việc đi thực tế là rất cần thiết và mỗi năm ít nhất nửa tháng “vi hành” về các xã, phường, thị trấn.
Trong chuyến đi thực tế lần này, chúng tôi đã chuẩn bị phiếu khảo sát, nội dung câu hỏi mà mỗi giáo viên sẽ tìm hiểu liên quan đến bài giảng của mình, và chúng tôi đã trải qua những ngày thật thú vị…
Khoảng 20 xã, phường, thị trấn của các huyện trong tỉnh mà chúng tôi đã đi qua. Trong đó có cả những nơi tôi đã từng đến và những nơi mới đến lần đầu. Nhưng tất cả dường như thân quen vì các đồng chí công tác ở cấp cơ sở phần lớn là học viên đã qua trường Chính trị. Chính điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cúng tôi tìm hiểu các công việc ở đây, ở mỗi nơi, chúng tôi biết được nhiều vấn đề hay và mới, đồng thời có nhiều cảm nhận thật khác biệt…
Lần đi thực tế ở xã Đồng Phú. Đồng Phú là một xã thuộc địa phận cù lao An Bình của huyện Long Hồ. Nơi đây cũng là địa điểm du lịch sinh thái của tỉnh nhà. Thử tưởng tượng, trong cái nóng bức đến ngột ngạt của thành phố, giờ đây được đi trong vườn cây trái xanh tươi của cù lao lộng gió, ắt hẳn trong lòng chúng ta sẽ dễ chịu vô cùng. Thiên nhiên làm tâm hồn con người lắng dịu. Tinh thần khoan khoái thì đầu óc sẽ sáng suốt, từ đó sẽ làm việc có hiệu quả hơn.
Từ trường đi khoảng 20 phút, chúng tôi đến UBND xã. Bước vào trụ sở xã khang trang vừa mới khánh thành đầu năm, chúng tôi gặp anh Thắng, chủ tịch UBND xã, vì đã có liên hệ trước nên công việc diễn ra khá nhanh, anh Thắng và các đồng chí PCT HĐND, công chức văn phòng thống kê cùng chúng tôi trao đổi một số vấn đề tại hội trường Ủy ban. Với những vấn đề được nêu ra, ý kiến của chúng tôi là đưa ra những quy định trong các văn bản hướng dẫn, ngược lại, ý kiến của các đồng chí ở xã là những vấn đề phát sinh mà không có trong quy định hoặc sự hạn chế khi áp dụng các quy định đó hoặc chưa biết áp dụng như thế nào cho có hiệu quả…Đây là những nội dung mà mỗi giảng viên sẽ cần nghiên cứu thêm.
Sau xã Đồng Phú, chúng tôi đến xã Nguyễn Văn Thảnh thuộc huyện Bình Tân. Vào mùa mưa, đi trên con đường “độc đạo” trơn trợt dẫn vào trụ sở UBND làm chúng tôi vô cùng hồi hộp. Nằm bên cạnh cổng chào xã Nguyễn văn Thảnh là con đường đá không còn nguyên vẹn vì những khoảng bê tông bị bể, chúng cách nhau bởi những chiếc cầu nhỏ, cao và trơn. Vừa ra khỏi đường đá lại đến con đường đất ngoằn nghèo khúc quanh, những vũng nước còn đọng lại bởi cơn mưa tối qua tạo nên sự gập ghềnh, lầy lội. Hai bên con đường đất là những đám cỏ lác rất lớn chưa được dọn vì đang trong quy hoạch chờ duyệt để xây dựng chợ.Qua khỏi cây cầu dốc cao cuối cùng là đến UBND xã, buổi làm việc nhanh chóng được tiến hành, vẫn là những vấn đề liên quan đến nội dung quản lý nhà nước và nghiệp vụ hành chính, ở đây tôi thấy nhiều vấn đề mang tính thực tiễn cần phải giải quyết như: việc giải tỏa để xây dựng chợ, cán bộ phụ trách một cửa chưa được đào tạo chuyên sâu, họ chỉ xem đây là công việc tạm thời nên chưa chuyên tâm với công việc, việc phụ nữ trong xã lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc còn phổ biến…
Những ngày sau đó, chúng tôi đi đến các xã Tân Hạnh, thị trấn Cái Vồn, Bình Ninh,Hiếu Nhơn, Tân An Thạnh…Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng không quên về xã Long Phước huyện Long Hồ - quê hương của Bác Hai
Phạm Hùng. Xã Long Phước đang làm đề nghị xét công nhận xã văn hóa, 100% các đoạn đường chính trong xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Khi tìm hiểu và trao đổi về nghiệp vụ, đây là một trong những xã làm tốt công tác văn bản, văn thư và lưu hồ sơ, qua tìm hiểu chúng tôi thấy việc soạn thảo văn bản và lưu giữ hồ sơ, khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Về thực tiễn công tác quản lý nhà nước, đồng chí chủ tịch cho biết hoạt động này diễn ra khá tốt, tuy nhiên, công tác hòa giải chưa giải quyết hết và vài trường hợp mất trộm vẫn còn diễn ra.
Còn chuyến đi về xã Trung An huyện Vũng Liêm lại cho tôi nhiều cảm xúc. Đây là xã vùng sâu của huyện và cũng là vùng kháng chiến ngày xưa. Cũng giống như những lần trước, chúng tôi và các đồng chí trong HĐND và UBND xã cùng nhau trao đổi công việc. Đầu tiên là những nội dung trong phiếu khảo sát, tiếp đến là về nghiệp vụ quản lý nhà nước. Về tình hình chung, dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông, cơ cấu kinh tế chưa có sự chuyển biến nhiều, công nghiệp và dịch vụ còn hạn chế. Cúng tôi không chỉ trao đổi với cán bộ xã mà còn trò chuyện cùng người dân nơi đây. Qua buổi tiếp xúc, tôi thấy nổi bật lên một vấn đề rất đáng lưu tâm. Xã Trung An ngày xưa là căn cứ địa cách mạng rất quan trọng, vì vậy, nhiều đồn bốt của địch được lập ra để kiểm soát khu vực này, việc học tập, đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Qua lời kể, có những người khoác ba lô trở về, sau mấy mươi năm vẫn dai dẳng vết thương thời chiến trận, có người mẹ tóc đã gió sương, nhớ người con đã ra đi mãi mãi, có những người vợ nuôi con thờ chồng, nỗi xót đau vẫn chôn kín tận đáy lòng…Trẻ em nơi đây sinh ra và lớn lên trong niềm tự hào của quê hương cách mạng, nhiều mất mát do chiến tranh cướp đi vẫn còn in đậm trong tâm trí những người còn sống, họ đã kể lại cho chúng tôi nghe rất chân tình và đầy xúc động.Trong họ, lý tưởng sống, lòng yêu nước, yêu quê hương luôn trọn vẹn. Phần lớn, họ định hướng cho con em thi vào các ngành công an, quân đội, làm việc trong các cơ quan nhà nước để tiếp nối truyền thống của người xưa. Rời Trung An những câu chuyện kháng chiến ấy còn đọng mãi trong tôi…
Đi thực tế “mệt mà vui” đó là câu mà chúng tôi thường nói với nhau. Đi thực tế là dịp để chúng tôi sáng tỏ hơn những nội dung lý luận đã được nghiên cứu. Tội chợt nhớ đến câu nói của Victor Hugo “Bạn ngắm một vì sao vì hai lẽ, một là vì nó sáng, hai là nó vượt quá tầm trí hiểu”. Câu nói là sự khuyến khích cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu và đi tìm lời giải cho những gì mình quan tâm. Đối với giảng viên trẻ như tôi, nếu chỉ nghiên cứu lý luận mà không tìm hiểu thực tế, kiến thức tôi có được sẽ rất mơ hồ và không đủ sức thuyết phục, qua thực tế tôi trưởng thành hơn trong cách sống, cách nghiên cứu, hiểu rõ hơn và lý giải được các nghi vấn mà tôi chỉ được nghe chứ chưa được thấy, từ đó áp dụng vào bài giảng sẽ sinh động và thiết thực hơn. Đi thực tế sẽ là kỉ niệm đẹp của các thầy cô trường chính trị, chúng ta sẽ thấy tự hào hơn vì đã đem chất “lý luận” tô thắm cho khung trời “quản lý”, sẽ thấy vui hơn khi được trông thấy những thành quả và bài học kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và giảng dạy của mình. Hy vọng thực tế ký sẽ là những trang viết thú vị trong hành trang nghiên cứu thực tiễn của nhiều giảng viên.