Tùng ! Tùng ! Tùng !
Tiếng trống trường trong một ngày cách đây 20 năm vọng bên tai tôi rõ ràng như mới ngày hôm qua. Đó là ngày tết nhà giáo đầu tiên trường tôi tổ chức cho tất cả học sinh tham dự.
Trường tôi ngày ấy là một ngôi trường nghèo nằm ở vùng sâu, đò ngang cách trở, nắng bụi mưa bùn. Học sinh chừng mấy chục, giáo viên cũng chỉ mấy người. Tất cả học sinh đều là lũ nhóc lem nhem chân lắm tay bùn ở địa phương còn giào viên từ xứ não xứ nào tới đây. Đối với lũ trẻ quanh năm quanh quẩn với con cua con ốc như chúng tôi thì thầy cô là những người vừa rất xa xôi, lạ lẫm vừa là những hình ảnh thật đẹp, thật đáng kính. Chúng tôi đều rất nể phục thầy cô, những người như có phép lạ, chỉ với viên phấn trong tay, thầy cô viết ra bao nhiêu là chữ, giảng giải cho chúng tôi nghe bao nhiêu câu chuyện thú vị trên đời.
Buổi sáng hôm đó chúng tôi điều háo hức đến trường thật sớm. Đứa nào cũng chọn bộ áo quần đẹp nhất đến dự lễ. Buổi lễ diễn ra đơn giản, ấm áp. Thầy hiệu trưởng phát biểu về ý nghĩa truyền thống của ngày tết nhà giáo.Hầu hết chúng tôi nghe thầy nói rất hay, rất truyền cảm. Chúng tôi ngồi nghe như uống lấy từng lời thầy dù thật lòng chúng tôi chưa hiểu gì nhiều. Có một bạn học sinh được cử ra hát một bài kính tặng quý thầy cô.. Được thầy tổng phụ trách tập dợt bài “ Bụi phấn “ từ rất lâu nhưng khi đứng trước thầy cô và các bạn thì bạn ấy hầu như không còn nhớ gì. Tôi không thể nào quên giây phút đó. Người bạn của tôi đứng im, run rẩy, không nói được câu gì, mắt rưng rưng sắp khóc. Có lẽ bạn ấy hồi hộp, xúc động và quá căng thẳng. Tất cả chúng tôi cũng im lặng, nín thở, không đứa nào nhúc nhích. Một vài đứa trong chúng tôi cũng sắp phát khóc theo. Nếu bạn ấy không hát được có nghĩa là món quà tinh thần của chúng tôi không thể dâng tặng cho thầy cô kính yêu. May sao, cuối cùng bạn ấy cũng mấp máy môi và hát. So với các bạn thiếu nhi bây giờ thì bạn tôi hát dở tệ, lại còn sai nhạc điệu be bét. Song lúc đó, ai cũng thấy bạn ấy thật tài, hát thật hay làm cho giáo viên cũng rất cảm động.
Sau buổi lễ là phần làm chúng tôi thích thú hơn cả: buổi tiệc liên hoan riêng của mỗi lớp với giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi đều chưa bao giờ được tham dự tiệc liên hoan nào. Trước đó, thầy chủ nhiệm chỉ dặn chúng tôi mang theo những thứ có sẵn ở nhà, không nên mua thứ gì vì thầy biết chúng tôi cũng không có tiền mua.
Thầy mang theo một cái thùng đựng đầy nước đá, chắc thầy mua ở chợ huyện. Có cả ly thủy tinh và mấy cái dĩa lớn, tôi đoán là thầy mượn ở đâu đó. Còn mỗi đứa chúng tôi tự mang theo những thứ mà không đứa nào chịu nói với đứa nào. Cứ khư khư giữ bí mật tới lúc vào tiệc. Nhưng cũng có một thứ chung đứa nào cũng không được thiếu: đó là một trái dừa.
Buổi tiệc của chúng tôi bắt đầu bằng việc thầy phát cho mỗi đứa một viên kẹo. Rồi lớp trưởng thay mặt lớp tặng quà cho thầy. Bạn ấy tặng thầy một con cá lớn mà bạn ấy tự bắt được. Sau đó, chúng tôi bày những món của mình ra đĩa. Có đứa đem cua rang muối, đứa đem cơm nếp trộn dừa, đứa khác đem ốc luộc, rồi chuối, mít, mận, ổi…có thứ gì đem thứ nấy. Vậy mà thầy trò chúng tôi liên hoan tưng bừng, thầy còn hát cho chúng tôi nghe. Thầy bảo chúng tôi rất hồn nhiên, dễ thương. Thầy nói thầy biết chúng tôi đều nghèo khó nhưng hãy cố găng học đến cùng. Thầy nói thầy rất thương chúng tôi và sẽ nhớ chúng tôi lắm…
Năm đó, chúng tôi đã học lớp 5. Muốn học tiếp phải ra trường huyện vừa xa xôi vừa tốn kém. Vậy là đa số các bạn bỏ học, còn lại tôi và một số ít bạn bè tiếp tục con đường thầy muốn chúng tôi đi. Rồi chúng tôi đi mãi, đi mãi, cuốn theo dòng đời xuôi ngược, nặng gánh mưu sinh. Cũng có những lúc chạnh lòng nhớ về thầy cũ trường xưa nhưng nỗi nhớ chỉ dừng lại trong lòng. Tôi đã không về thăm nơi ấy sớm hơn. Và tôi cũng giống nhiều người cứ đổ lỗi rằng mình không có thời gian. Để đến một ngày tôi trở lại, ngôi trường thân yêu xưa giờ không còn nữa. Gió từ cánh đồng hay từ miền ký ức thổi về làm lòng tôi day dứt miên man? Nắng của hôm nay hay của thời xa xưa ấy nhuộm vàng những kỷ niệm tôi không thể nào quên?