Trong giáo dục trắc nghiệm được tiến hành ở các kỳ thi, kiểm tra để đánh giá kết quả học tập, giảng dạy đối với một phần của môn học, toàn bộ môn học, đối với cả lớp học hoặc để tuyển chọn một số người vào học một khoá học.
Thi trắc nghiệm viết có hai loại: trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan. Trắc nghiệm tự luận là phương pháp mà người thi phải tự trình bày hiểu biết của mình trong một bài viết dài để giải quyết vấn đề mà câu hỏi nêu ra. Loại nầy là loại mà trong hệ thống các Trường chính trị sử dụng phổ biến hiện nay. Trắc nghiệm khách quan là phương pháp mà trong đó đề thi thường gồm rất nhiều câu hỏi, mỗi câu nêu ra một vấn đề cùng với những thông tin cần thiết sao cho người thi chỉ phải trả lời vắn tắt cho từng câu. Trong trắc nghiệm khách quan có sử dụng một hoặc nhiều kiểu câu hỏi khác nhau như câu điền khuyết, câu trả lời ngắn, câu đúng sai, câu nhiều lựa chọn...Thi trắc nghiệm khách quan thông thường người ta gọi tắt là thi trắc nghiệm và trong bài viết nầy từ đây về sau khi dùng từ “trắc nghiệm” là dùng theo nghĩa là trắc nghiệm khách quan.
Từ trước đến nay rất ít tổ chức thi trắc nghiệm để đánh giá kết quả việc học tập, giảng dạy trong hệ thống các Trường chính trị. Điều nầy đặt ra vấn đề cần xem xét: trong thời gian tới có nên đưa phương pháp thi trắc nghiệm vào để đánh giá kết quả học tập, giảng dạy trong các Trường chính trị không ?
Đánh giá kết quả học tập, giảng dạy có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Vì vậy tuỳ theo mỗi môn học và tình hình cụ mà có thể đưa thêm phương pháp thi trắc nghiệm vào việc đánh giá kết quả học tập, giảng dạy trong các Trường chính trị để việc đánh giá thêm đa dạng, toàn diện và khách quan.
Phương pháp tự luận có những ưu điểm như ra đề thi dễ, nhanh, kết quả thi đánh giá được khả năng diễn đạt của người thi. Nhưng cũng có những nhược điểm như tính may rủi cao, nếu đề ra đúng ngay bài mà học viên hiểu sâu, thuộc nhiều thì điểm cao, ngược lại, nếu đề thi ra ngay bài mình không dự học, không thuộc thì điểm thấp, điều nầy dẫn đến học viên có thể học tủ, đoán đề để học. Việc chấm thi đối với bài thi theo phương pháp tự luận cũng bị chi phối bởi tính chủ quan của người chấm... , để khắc phục những nhược điểm nầy có thể thêm phương pháp trắc nghiệm vào việc đánh giá kết quả thi hết môn đối với những môn học có điều kiện. Trong chương trình trung cấp lý luận chính trị có nhiều môn có thể tổ chức đánh giá kết quả bằng phương pháp thi trắc nghiệm như môn Nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính nhà nước phần 1, 2, 3, 4, 5, môn Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng...
Trong các Trường chính trị ít có những biểu hiện tiêu cực trong thi cử nhưng cũng cần phải phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực nhỏ có thể xảy ra vì đối tượng học của Trường chính trị đa số là cán bộ đảng viên, mà cán bộ đảng viên thì cần phải gương mẫu trong việc hưởng ứng cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Tổ chức thi trắc nghiệm sẽ góp phần ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực trong thi cử vì nó có những ưu điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất:
Các câu hỏi trong thi trắc nghiệm chỉ cần trả lời ngắn gọn, nhanh cho nên mỗi một đề thi thường từ 50 đến 100 câu. Số câu hỏi nhiều như vậy thì nội dung của đề thi rộng, bao quát những nội dung cơ bản của môn học, việc kiểm tra kiến thức của học viên mang tính toàn diện, ngăn ngừa tình trạng học tủ, giảm thiểu sự may rủi của học viên trong lúc thi.
Thời gian làm bài trong thi trắc nghiệm thường từ 90 phút đến 120 phút, với thời gian ngắn phải trả lời nhiều câu hỏi, người thi không thể có thời gian để xem tài liệu vì vậy ngăn chặn tình trạng lén lút mang tài liệu vào phòng thi, xem tài liệu lúc làm bài.
Thứ hai:
Chấm bài thi theo phương pháp tự luận bao giờ cũng bị chi phối bởi tâm trạng chủ quan của người chấm, vì vậy cùng nội dung như nhau, điểm của hai bài có thể chênh lệch nhau (chưa kể đến chuyện tiêu cực trong lúc chấm bài). Theo phương pháp trắc nghiệm, điểm chấm bài tương đối chính xác, không phụ thuộc vào tâm trạng chủ quan của người chấm, khi có đáp án, thì người không có kiến kiến thức chuyên môn cũng có thể kiểm tra lại bài chấm của người đã chấm.
Thứ ba:
Phương pháp trắc nghiệm có thể áp dụng công nghệ mới trong tổ chức thi và trong chấm thi. Với một bộ đề thi có sẵn, máy tính có thể trộn thứ tự câu khác nhau nên, trong một phòng thi người thi không thể xem nhau, khắc phục được tình trạng “học tài thi mạng, thi rớt hay đậu là nhờ bạn kế bên”.
Những nơi có điều kiện, có phòng dạy vi tính, có đủ cho mỗi học viên một máy thì có thể tổ chức cho học viên thi trên máy và máy tự chấm điểm. Người thi sẽ biết điểm thi của mình ngay sau khi thi xong, kết quả điểm thi là chính xác, hoàn toàn đáng tin cậy, khó có hiện tượng tiêu cực trong làm bài thi và trong chấm thi.
Tuy nhiên phương pháp trắc nghiệm có những nhược điểm của nó là tốn công ra đề thi. Xây dụng một bộ đề thi có chất lượng tốt đòi hỏi người ra đề phải nghiên cứu, suy nghĩ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của chương trình học đặt ra, độ khó vừa phải để người học ở trình độ trung bính có thể làm bài đạt điểm trung bình, người học giỏi có thể làm bài đạt điểm giỏi, bảo đảm đánh giá đúng kết quả học tập, giảng dạy của môn học. Để có được bộ đề thi tốt, sau khi xây dựng xong, cần phải qua thử nghiệm trên một số đối tượng, kết quả điểm thi thử nghiệm của từng câu là cơ sở để phân tích, đánh giá chất lượng của từng câu, từ đó mà điều chỉnh lại những câu chưa phù hợp, kém chất lượng và hoàn chỉnh bộ đề thi. Để giảm bớt thời gian, công sức xây dựng các bộ đề thi, các Trường chính trị cần tự liên kết, phối hợp với nhau để xây dựng những bộ đề thi chung cho các Trường, hoặc Vụ các trường chính trị thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng các bộ đề thi cho các môn học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, các bộ đề thi nầy là đề thi thống nhất trong cả nước, dựa vào bộ đề thi đã được xây dựng và tuỳ theo tình hình cụ thể mà mỗi Trường có thể tổ chức thi bằng phương pháp trắc nghiệm hoặc phương pháp tự luận cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.
Với những nhận thức, với những suy nghĩ nêu trên, Trường chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức xây dựng bốn bộ đề thi trắc nghiệm cho các môn Nhà nước và pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, Tin học và Ngoại ngữ. Những bộ đề thi nầy đã được áp dụng thi viết trên giấy ở một số lớp, hiện nay Trường đang nhập bốn bộ đề thi vào máy để trong thời gian tới Trường có thể tổ chức cho học viên thi trên máy cả bốn bộ đề thi nầy.
Tóm lại, mỗi phương pháp có ưu điểm và nhược điểm riêng của nó, thi bằng phương pháp tự luận có ưu điểm là ra đề thi dể, nhanh, kết quả thi đánh giá được khả năng diễn đạt của người dự thi, nhưng nhược điểm là nội dung thi chỉ tập trung ở một hoặc một số bài, tính rủi ro cao, việc chấm bài bị chi phối bởi tâm trạng chủ quan của người chấm. Còn thi bằng phương pháp trắc nghiệm có ưu điểm là nội dung mang tính toàn diện, ít rủi ro, việc chấm bài mang tính khách quan, áp dụng được công nghệ tin học trong lúc thi và chẩm bài thi, nhất là hạn chế đến mức thấp nhất những hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nhưng nhược điểm của phương pháp trắc nghiệm là phải bỏ nhiều công sức và thời gian xây dựng bộ đề thi và kết quả thi không đánh giá được khả năng diễn đạt của người thi. Vì vậy để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác kết quả quá trình học tập, giảng dạy của một khoá học, của từng học viên cần phải kết hợp nhiều phương pháp, thi trắc nghiệm cần được đưa vào để đánh giá kết quả đào tạo của lớp trung cấp lý luận chính trị trong các Trường chính trị.