Trong những năm vừa qua, trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long đã có bước tiến vượt bậc về việc đưa phương pháp mới vào giảng dạy trong trường. Nhưng việc đó không được duy trì liên tục mà có phần chựng lại, bảo hòa vào những tháng cuối năm và những tháng đầu năm 2004. Để tiếp tục duy trì, phát triển việc giảng dạy bằng phương pháp mới trong nhà trường, chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên nhân của nó.
Chúng ta nhìn lại ở những năm của 2000, trong trường đã tạo nên một môi trường, một khí thế sôi nổi trong việc giảng dạy bằng phương pháp mới.
Sau qua nhiều đợt tập huấn về phương pháp giảng dạy mới, hầu hết giảng viên trong trường từng bước áp dụng vào từng tiết, từng khâu trong bài giảng của mình. Bên cạnh đó có nhiều giảng viên đăng ký giảng dạy bằng phương pháp mới. Qua quá trình giảng dạy được Hội đồng giáo viên nhà trường tham dự và đánh giá kết quả tốt. Đặc biệt ở các môn học cụ thể, như Nhà nước pháp luật; quản lý nhà nước; dân số; lịch sử; kỹ thuật nghiệp vụ hành chính . . .có nhiều ưu thế hơn, cho nên giáo viên giảng dạy ở các môn nầy đã áp dụng phương pháp mới nhiều hơn. Bên cạnh đó nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, mua sắm thêm nhiều phương tiện, dụng cụ, kể cả các phương tiện đắt tiền để phục vụ cho việc giảng dạy phương pháp mới. Từ đó đã tạo được động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc giảng dạy bằng phương pháp mới trong nhà trường.
Nhưng khí thế đó không được tiếp tục duy trì, mà có phần lắng dịu, chửng lại, bảo hòa ở những tháng cuối năm 2003 và những tháng đầu năm nầy. Vì nó đang gặp phải các nguyên nhân cản trở.
Trước hết phải nói đến việc tạo điều kiện thuận lợi, mua sắm phương tiện phục vụ cho việc giảng dạy còn hạn chế. Việc giảng dạy theo phương pháp mới đòi hỏi rất nhiều dụng cụ, nhiều phương tiện để phục vụ và dung cụ, phương tiện đó luôn thay đổi cho phù hợp với từng lớp từng bài. Vấn đề nầy nhà trường chưa đáp ứng kịp, cơ chế mua sắm các dụng cụ phục vụ giảng dạy còn chậm. Đây là nguyên nhân gây tâm lý khó khăn, e ngại, thiếu đi sự chủ động trong việc áp dụng phương pháp mới
Một nguyên nhân khác đang cản trở việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới trong trường đó là việc phân bổ thời gian cho từng nội dung, từng bài giảng chưa hợp lý. Đa số các bài giảng trong giáo trình được trình bài, kết cấu, nội dung, đến việc phân bổ thời gian chỉ phù hợp với phương pháp giảng thuyết trình truyền thống. Nếu giảng dạy theo phương pháp mới để đảm bảo nội dung thì không đảm bảo thời gian, mà đảm bảo thời gian thì không đảm bảo nội dung. Chính vì vậy nó làm cho việc áp dụng phương pháp mới bị hạn chế.
Một nguyên nhân không thể bỏ sót đó là cơ cấu số học viên của từng lớp học, chưa thích hợp với việc giảng dạy theo phương pháp mới. Một lớp học có trên 50 học viên thì việc áp dụng phương pháp mới đối với một giáo viên vô cùng khó, thậm chí có khi nó không mang lại kết quả như mong muốn trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Nhưng thực tế thời gian qua số học viên của mỗi lớp trong trường là quá đông, trong đó không ít lớp có số học viên trên 50. Chính từ đó gây tâm lý ngán ngại, lo lắng khi áp dụng phương pháp mới vào dạy ở những lớp nầy.
Cuối cùng phải nói đó là tư tưởng bảo thủ, chần chừ, do dự, ngại khó, thiếu tích cực trong đội ngũ giảng viên. Chúng ta biết rằng soạn giảng một bài theo phương pháp thuyết trình đã là khó, còn soạn giảng một bài theo phương pháp mới còn khó hơn nhiều. Nó đòi hỏi giáo viên phải bỏ nhiều thời gian suy nghĩ để tìm phương pháp thích hợp cho từng tiết giảng, cho cả bài giảng, cho từng đối tượng, từng lớp học và cho từng nơi học. Sau đó mới suy nghĩ tìm những dụng cụ, phương tiện trợ giúp cho thích hợp để áp dụng vào bài giảng. Còn đối với phương pháp thuyết trình theo kiểu cũ thì người giảng viên có thể giữ nguyên phương pháp giảng của một bài, cho tất cả các lớp học bài đó. Hiện tại các giáo viên trong nhà trường đã soạn giảng theo phương pháp thuyết trình, giờ đây muốn thay đổi qua phương pháp mới đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Mặt khác nếu như kết quả tốt thì không nói gì, còn kết quả xấu thì hậu quả khó lường hết được.
Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu như mỗi giáo viên đều có lòng yêu nghề, thấy được tầm quan trọng và nhu cầu bức thiết của việc đổi mới phương pháp giảng dạy cộng với sự tác động đúng hướng của nhà trường sẽ từng bước khắc phục được tư tưởng ngại khó, ngại cực, trong đội ngũ giảng viên, từng bước sẽ tạo được phong trào.
Như vậy để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc thực hiện giảng dạy theo phương pháp mới trong nhà trường, mọi người chúng ta hãy tìm những biện pháp thích hợp cho mình để hạn chế khắc phục các nguyên nhân trên, tin chắc rằng phong trào giảng dạy bằng phương pháp mới sẽ được hồi phục và tiếp tục phát triển tốt./.