Chính quyền cấp xã là cấp gần dân nhất trực tiếp quan hệ với dân, phạm vi hoạt động lại rất rộng trên nhiều lĩnh vực như : chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng . . .Đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm việc tại chính quyền cấp xã là những người trực tiếp quan hệ với dân, với các diễn biến hàng ngày của cộng đồng dân cư, là người đưa ra các quyết định quản lý trực tiếp tác động đến cộng đồng và từng cá nhân trên địa bàn. Họ cũng chính là những người chuyển các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên thành sản phẩm cụ thể của hoạt động quản lý.
Tuy nhiên hiện nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã. Nhìn chung còn nhiều hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ . . .Một trong những nguyên nhân dẫn đến còn sự hạn chế đó là có sự yếu kém trong việc định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội VII có ghi ; “. . .Thực hiện kém việc quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chưa có cơ chế hợp lý để phát hiện lựa chọn nhân tài”.
Văn kiện Hội nghị Ban chấp hành trung ương III khóa VIII cũng khẳng định : “Công tác đào tạo bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ, chất lượng và hiệu quả đào tạo còn thấp. Nội dung chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chậm đổi mới, buông lỏng giáo dục nên rèn luyện lập trường giai cấp và đạo đức cách mạng. Hệ thống đào tạo chưa hợp lý, việc chiêu sinh, thi tuyển, công nhận tốt nghiệp, quản lý văn bằng, chứng chỉ, học hàm, học vị thiếu chặt chẽ”.
Hiện nay nhìn chung về công tác cán bộ ở khâu quy hoạch còn quá yếu chưa tạo ra được một cơ chế xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận nhau trong một khoảng không gian và thời gian thích hợp, khoảng cách giữa các thế hệ cán bộ dường như luôn bị hẫng hụt. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận đánh giá cán bộ, trước hết cần khắc phục tư tưởng bè phái, cục bộ, cá nhân trong công tác cán bộ. Vì những tư tưởng đó đã gây cản trở rất lớn trong việc lựa chọn, sử dụng, bố trí đúng cán bộ. Việc cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ cho từng chức danh lãnh đạo còn nhiều yếu tố chủ quan duy ý chí, sự vận dụng một cách tùy tiện tiêu chuẩn cán bộ còn mang nặng yếu tố cảm tính cá nhân. Mặt khác chủ nghĩa bình quân trong chính sách cán bộ là một hạn chế rất lớn trong việc sự dụng nhân tài, công tác quy hoạch cán bộ còn chậm không bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa.
Để xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước trong giai đoạn phát triển mới, nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định : “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, khơi dậy và phát huy tối đa nguồn lực : lao động, đất đai, ngành nghề . . . ra sức cần kiệm để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao hiệu quả mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, chú trọng kiện toàn và phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, giữ gìn bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế - xã hội với quá trình cải cách bộ máy hành chính Nhà nước.
Về đổi mới công tác cán bộ, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng công sản Việt nam lần thứ IX đã khẳng định : “Xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân. Có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, chú ý cán bộ nữ và cán bộ các dân tộc thiểu số, chuyên gia trên các lĩnh vực.
Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tính nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu, có phương pháp khoa học, khách quan, công tâm, theo quy trình chặt chẽ, phát huy dân chủ, dựa vào tập thể và nhân dân để tuyển chọn cán bộ. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển.
Những tư tưởng chỉ đạo trên là căn cứ xác định nhiệm vụ chính trị để định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mình. Xuất phát từ những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã là :
- Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu (Đảng, chính quyền, đoàn thể).
- Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường của giai cấp công nhân, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, cần , kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển mọi mặt đời sống kinh tế chính trị, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã có trình độ văn hóa, chuyên môn và nghiệp vụ, có trí thức, am hiểu cơ chế thị trường, có kiến thức về lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, kiến thức pháp luật và biết quản lý Nhà nước bằng pháp luật, có sức khỏe, năng động và thíchnnghi với tình hình mới để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đối với mỗi đảng viên, việc định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền xã còn phải dựa trên quy định số 54 ngày 12/5/1999 của Bộ chính trị BCH TW về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng : “Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở xã phải học xong chương trình trung học chính trị tại trường chính trị tỉnh, thành phố”.
“Cấp ủy các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể về trình độ lý luận chính trị của đảng viên trong chi bộ và Đảng bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên nhằm thực hiện đúng quy chế học tập gắn với quy hoạch cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức”.
Để đẩy mạnh phát triển sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền cấp xã đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, việc định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, dự nguồn là khâu có vị trí rất quan trọng, công tác xây dựng cán bộ dự nguồn cần chú trọng nay từ khi con em nhân dân trong tỉnh còn ngồi ghế nhà trường. Lựa chọn con em của những gia đình nề nếp, có học lực khá đưa đi đào tạo rồi trở về phục vụ lâu dài ở quê hương, ưu tiên con em các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng . . . Nhìn chung việc lực chọn cán bộ dự nguồn để kế thừa sự nghiệp tầng lớp cha anh cần phải có sự nổi bật trong mọi lĩnh vực, học vấn, sức khỏe, đạo đức, tác phong, lối sống . . . có như vậy mới đảm bảo được tốt công việc mà nhân dân và Đảng giao phó. Trong quá trình hình thành và phát triển cán bộ dự nguồn, cần có những chính sách ưu tiên nhất là trong thời gian họ được cử đi đào tạo, việc hổ trợ một phần kinh phí đào tạo là cần thiết để động viên khuyến khích họ học tập đạt kết quả cao và sau khi tốt nghiệp họ sẽ phấn khởi trở về quê hương công tác.
Cán bộ chính quyền cấp xã trong những năm tới ngoài trình độ chuyên môn còn phải có kiến thức về lý luận chính trị, về quản lý hành chính Nhà nước. Vì vậy việc phát triển cán bộ dự nguồn cần phải lưu ý ba mảng kiến thứ đó. Đó mới chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở, thực tiễn công tác là một tiêu chí rất quan trọng để khẳng định năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ trẻ. Những năm đầu của quá trình công tác cần giao cho họ các công tác về mặt trận, đoàn thể, đoàn thanh niên, ủy viên UBND . . . để có điều kiện làm quen với thực tiễn công tác, sau mỗi năm có sự tổng kết đánh giá để phát huy những mặt mạnh của họ và rút kinh nghiệm những mặt còn yếu kém, hạn chế. Việc hình thành đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã thông qua các nhiệm kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, thì trong quá trình chuẩn bị bầu cử, cấp ủy xã cần có sự hướng dẫn đối với các tổ chức đoàn thể quần chúng khi giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn của người đại biểu đại diện cho các đoàn thể quần chúng và những người cán bộ trong dự nguồn phải nằm trong số đó. Đương nhiên nếu họ không được bầu vào nhiệm kỳ đầu thì vẫn có thể giao công tác cho họ để họ tự khẳng định mình tạo dựng uy tín trong nhân dân và lẽ thông thường trong nhiệm kỳ tới họ sẽ trúng cử Hội đồng nhân dân.
Công tác định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã cần phải dựa trên việc xây dựng các kế hoạch hàng năm và kế hoạch cho từng thời kỳ. Phải xác định đây là công việc mang tính thường xuyên liên tục và có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, thông qua việc phân cấp quản lý cán bộ kế hoạch xây dựng ở cấp xã có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có như vậy mới đảm bảo được sự kế thừa mang tính liên tục của các thế hệ cán bộ đáp ứng các giai đọan phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, từ đó phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển cán bộ của quốc gia./.