Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng có nêu rõ: “Chấn chỉnh cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động của bộ máy hành chính các cấp. Làm cho bộ máy tinh gọn, bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt, có hiệu lực từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, cơ sở; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động của địa phương ,cơ sở. Xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương. Kiện toàn bộ máy chính quyền cấp huyện và cơ sở đủ sức quản lý, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền những vấn đề cuộc sống đặt ra và nhân dân đòi hỏi”.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác tổ chức. Kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế hoạt động có hiệu quả góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của nước ta là xây dựng và bảo vệ vững chắcTổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và của Chính phủ đã đề ra để thực hiện và đã đem lại nhiều kết quả đáng kể. Nhưng trong điều kiện hiện nay của đất nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đang từng bước tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước thì đòi hỏi công tác kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp càng cấp bách; để nhằm ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho Nhà nước và cho nhân dân.
Ngày 18/10/2000, Chính phủ có ra Nghị Quyết số 16/ 2000/NQ-CP “V/v tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp”, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trường kiện toàn tổ chức bộ máy, Sắp xếp lại biên chế để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác sắp xếp tổ chức tinh giản biên chế là công việc rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, cần phải tổ chức thực hiện các bước đi phù hợp với những giải pháp đồng bộ để đảm bảo đạt yêu cầu đề ra. Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long đã tuân thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp cùng các ngành có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và đạt được hiệu quả thiết thực.
Năm 1992 sau khi có Quyết định của Nhà nước cho tách tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Trường được Tỉnh ủy Vĩnh Long cho sáp nhập với một số trường nghiệp vụ khác và đến năm 1993, theo quyết định số 61/QĐ-TW của Bộ chính trị về việc sắp xếp lại Trường Đảng Trung ương, UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 362/QĐ-UBT ngày 09 tháng 7 năm 1993 đổi tên Trường Đào tạo Cán bộ thành Trường Chính trị.
Sau một thời gian hoạt động, công tác sắp xếp tổ chức của Trường tiếp tục được thực hiện. Đến năm 2000, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường gồm: Ban Giám đốc 3 đ/c, 3 phòng nghiệp vụ có 31 đ/c, 5 khoa giảng dạy có 20 đ/c. Tổng biên chế chung là 54 đ/c.
Trong biên chế trên, lực lượng giáo viên kiêm nhiệm và trực tiếp giảng dạy có 27 đ/c chiếm 50% tổng biên chế, lực lượng quản lý và phục vụ có 27 đ/c chiếm 50% tổng biên chế.
Nhưng theo yêu cầu chung hiện nay ở Trường phải đảm bảo lực lượng giáo viên kiêm nhiệm và trực tiếp giảng dạy chiếm 2/3 tổng biên chế, còn lực lượng quản lý và phục vụ chiếm 1/3 biên chế mà thôi. Đối chiếu lại số lượng biên chế hiện có thì Trường thiếu lực lượng giáo viên giảng dạy nhưng lại thừa lực lượng quản lý và phục vụ. Lực lượng giáo viên thiếu thể hiện ở một số khoa chưa đủ nguời đảm trách các bộ môn có trong chương trình giảng dạy. Cho nên có một số lớp do Trường đảm nhận, một số môn học phải mời một số giáo viên trường bạn như: ở tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ trợ giúp. Thừa lực lượng quản lý và phục vụ thể hiện ở chỗ có một số đồng chí sau khi nhập cơ quan do trình độ năng lực có hạn chế, sức khỏe kém nên không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đã làm cho nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân công, bố trí nhiệm vụ. Đây là một bất hợp lý mà đòi hỏi Ban Giám đốc, Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải tìm mọi cách khắc phục. Bất hợp lý trên có nguyên nhân sâu xa là do lịch sử để lại, nhập nhiều đơn vị lại với nhau. Cần phải giải quyết thế nào để một mặt đảm bảo đủ số lượng giáo viên giảng dạy, mặt khác giảm đi số lượng quản lý và phục vụ (bộ phận gián tiếp) để đảm bảo đủ số lượng mà tỉnh cho phép.
Nghị quyết 16/2000/NQ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Trường giải quyết bất hợp lý trên.
Sau khi được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ, Ban Giám đốc đã tổ chức nhiều cuộc họp liên tịch với Đảng ủy, với Thường trực Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên để bàn biện pháp thực hiện. Trong các cuộc họp đều nhận định việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy là công việc rất cần thiết cho đơn vị hiện nay. Làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra là kiện toàn được tổ chức bộ máy, giảm số lượng người gián tiếp ở các bộ phận, tăng cường số lượng giáo viên giảng dạy ở các khoa, nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng cán bộ, công chức và nhất là không làm gián đoạn việc thực hiện nhiệm vụ cơ quan. Đây là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp khoa học và bước đi hợp lý nhất. Sau cùng cách giải quyết được thực hiện các bước sau:
1. Quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan hiểu rõ nội dung cơ bản của Nghị quyết 16.
2. Xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, sắp xếp biên chế của cơ quan trình Tỉnh ủy phê duyệt.
3. Sắp xếp tổ chức bộ máy lãnh đạo, các khoa-phòng, tinh giản biên chế.
4. Tổ chức thực hiện theo Đề án đã được Tỉnh ủy duyệt.
Dựa vào các bước đi đã chọn Trường đã tổ chức thực hiện với những công việc cụ thể.
Để thực hiện bước 1, nhiều cuộc họp cơ quan, họp Đảng ủy, họp Ban Chấp hành Công đoàn, tổ công đoàn để triển khai học tập cho từng cán bộ, công chức hiểu và nắm được toàn bộ nội dung của Nghị quyết 16/CP, cơ bản là hiểu rõ mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng tinh giản biên chế lần này. Từ đó từng đồng chí cán bộ công chức trong cơ quan đối chiếu lại nhiệm vụ và công việc cụ thể của mình, xem mình có phải thuộc đối tượng tinh giản biên chế lần này hay không mà có hướng chủ động chuẩn bị trước cho mình về các mặt khi tổ chức yêu cầu được nghỉ. Thực hiện bước này đòi hỏi người lãnh đạo phải hết sức tâm lý và tế nhị để làm cho đối tượng tinh giản biên chế yên tâm tự nguyện tự giác chấp hành là chủ yếu chớ không nên ép buộc để dẫn đến phản ứng của cá nhân gây hậu quả không tốt cho cơ quan. Mặt khác số lượng tinh giản biên chế lần này ở các bộ phận Ban Giám đốc đã dự kiện trước. Sau đó một mặt đưa ra tập thể phòng, khoa có ý kiến ( bằng bỏ phiếu thăm dò). Một mặt mời các đối tượng này lên làm việc, trình bày rõ quan điểm của Giám đốc với từng cá nhân và yêu cầu cá nhân cho ý kiến. Nếu cá nhân đồng ý nghỉ đợt này thì cơ quan sẽ tạo mọi điều kiện giải quyết và làm thủ tục để được hưởng theo chế độ quy định. Còn nếu không đồng ý thì phải trình bày rõ lý do để Ban lãnh đạo biết. Cuối cùng các đối tượng tinh giản biên chế đều đã nhận thức được và đồng ý theo ý kiến gợi ý của Ban Giám đốc, tự giác làm đơn xin nghỉ để được hưởng chế độ.
Đối với bước 2, xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại biên chế của cơ quan là công việc hết sức quan trọng. Cơ quan có hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của mình hay không là phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức bộ máy, quản lý điều hành của Ban Lãnh đạo cùng các khoa , phòng. Do đó, dựa vào nội dung, giải pháp theo Nghị quyết 16 và hướng dẫn của tỉnh, rà soát kỷ lại từng bộ phận của cơ quan trong thời gian qua và hướng phát triển tới. Cơ quan đưa ra nhiều phương án khác nhau và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong cán bộ, công chức. Sau cùng Đề án kiện toàn tổ chức được dự kiến như sau: Ban Giám đốc 03 đ/c (gồm 01 Giám đốc và 02 Phó Giám đốc), 3 phòng nghiệp vụ có 25 đ/c, 5 khoa và tổ bộ môn có 24 đ/c.
Trong đó số lượng giảng viên trực tiếp giảng dạy và kiêm chức có tất cả là 32 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 2/3 tổng biên chế quy định. Đây là yêu cầu hợp lý. Bên cạnh đó Trường phải tinh giản 8 đồng chí để đảm bảo đủ số lượng người theo Đề án và tuyển dụng thêm một số giáo viên mới bổ sung cho các khoa hiện còn đang thiếu. Đề án này được báo cáo lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy và được sự chấp thuận vào ngày 26/02/2002. Sau khi Đề án được Tỉnh ủy chấp thuận, Trường triển khai thực hiện ngay Đề án, Sắp xếp lại bộ máy các khoa, phòng; phân công, bố trí người vào các vị trí đã chọn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, so với biên chế được duyệt và biên chế hiện có của Trường thì cơ quan phải giảm đi 8 người, tương đương 14,81% tổng biên chế.
Thực hiện bước 3 – bước quan trọng, tinh giản biên chế các bộ phận. Do có làm tốt công tác tư tưởng chung trong toàn cơ quan trước và tực tiếp làm việc với các đồng chí mà cơ quan dự kiến nằm trong danh sách giảm đợt này, nên công việc này không mất nhiều thời gian và không phức tạp. Sau khi các cá nhân làm đơn tự nguyện xin nghỉ theo từng nhóm đối tượng khác nhau, cơ quan tổng hợp và làm thủ tục báo cáo lên cấp trên để cho các đồng chí được hưởng chế độ theo hướng dẫn số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Thông tư liên tịch giữa Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài Chính. Nhờ có những bước đi phù hợp, giải quyết công khai, dân chủ trên nguyên tắc có tình có lý nên Trường đã giải quyết được 8 trường hợp nghỉ theo tinh thần Nghị quyết 16/CP bao gồm:
1. Giải quyết nghỉ hưu trước tuổi 03 đ/c
2. Giải quyết nghỉ mất sức 01 đ/c
3. Giải quyết chuyển sang chế độ hợp đồng đ/c
Tổng cộng là 8 đ/c
Trường đã làm các thủ tục đúng theo qui định, báo cáo kịp thời lên cấp trên để giải quyết các chế độ chính sách cho các đồng chí được nghỉ, đồng thời cơ quan cũng tạo mọi điều kiện tiếp tục có việc làm như: hợp đồng trở lại làm tạp vụ, cho đi học nghề để không bị hụt hẫng trong thời gian đầu. Mặt khác, Trường cũng thông báo tuyển chọn, tuyển dụng giáo viên mới để bổ sung cho các khoa giảng dạy, tổ bộ môn còn đang thiếu, nhằm kịp thời đáp ứng tốt cho công tác giảng dạy. Đến nay đã thông báo và tuyển dụng được một số giáo viên mới. Là những người vừa tốt nghiệp đại học ở các ngành luật pháp, lịch sử đảng, tin học, ngoại ngữ; đa số đều còn rất trẻ và mong muốn được đem những kiến thức của mình học ở trường đại học để phục vụ lại cho cơ quan.
Như vậy, sau một thời gian quyết tâm và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 16/CP của Chính phủ. Trường Chính trị đã đạt được mục tiêu đề ra: Kiện toàn được tổ chức bộ máy gồm: Ban Giám đốc, 03 phòng ngiệp vụ, 05 khoa và tổ bộ môn, tinh giản biên chế được 8 người chiếm 14,81%, hợp đồng và đang đề nghị tuyển dụng vào biên chế một số giáo viên mới để bổ sung cho các khoa còn đang thiếu người. Bộ máy trên đã đi vào hoạt động và phát huy được hiệu quả tích cực, được thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2002.
Với những kết quả nêu trên Trường đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết 16/CP tại địa phương.
“ Tinh giản bộ máy hành chính một cách cơ bản. Có chính sách giải quyết thỏa đáng số người dôi ra”. Đó là một phần phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001 – 2005 của Đảng. Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Long đã góp phần làm được điều đó. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương sẽ đem lại nhiều kết quả hơn nữa, góp phần tích cực vào sự nghiệp triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang mong đợi.