1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Trường trực tiếp, phối hợp các ngành, địa phương đào tạo trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trung cấp chuyên nghiệp ngành hành chính; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; phối hợp với các cơ sở đào tạo Trung ương đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trong tỉnh. Tính chung có 10 loại chương trình đào tạo, 25 loại lớp bồi dưỡng.
Tổng số đào tạo, bồi dưỡng 5 năm (2006 – 2010) là 158 lớp với 13.571 học viên.
Hệ đào tạo: 44 lớp với 2.986 học viên, trong đó:
- Trung cấp LLCT, LLCT-HC: 27 lớp, 1.628 học viên.
- Trung cấp hành chính: 06 lớp, 376 học viên.
- Trung cấp văn thư – lưu trữ: 01 lớp, 35 học viên.
- Trung cấp nghiệp vụ thanh vận: 02 lớp, 113 học viên.
- Trung cấp nghiệp vụ phụ vận: 01 lớp, 97 học viên.
- Cao cấp LLCT, LLCT-HC: 04 lớp, 387 học viên.
- Đại học hành chính: 02 lớp, 270 học viên.
- Đại học ngành công tác xã hội: 01 lớp, 80 học viên.
Hệ bồi dưỡng: 114 lớp với 10.585 học viên, trong đó:
- Chuyên viên chính: 04 lớp, 233 học viên.
- Chuyên viên: 13 lớp, 858 học viên.
- Các chương trình khác: 97 lớp, 9.494 học viên.
Đi đôi với số lượng, Trường luôn phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cơ sở quan tâm đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, thường xuyên cử giảng viên đi bồi dưỡng, tập huấn, đi thực tế ở cơ sở; đổi mới phương pháp, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tăng cường quản lý học viên về nội dung và thời gian học; thực hiện đúng quy chế, nhất là khâu quản lý sĩ số học viên và điều kiện dự thi hết môn, thi tốt nghiệp, viết tiểu luận cuối khóa; thực hiện nghiêm túc việc thi cử.
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã đáp ứng một phần không nhỏ vào việc nâng cao mặt bằng trình độ lý luận chính trị (hơn 70% cấp ủy viên chi, đảng bộ cơ sở khối ngành huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên), trình độ nhận thức và khả năng hoạt động thực tiễn, trình độ nghiệp vụ về công tác đảng, chính quyền, đoàn thể của đội ngũ cán bộ cơ sở nâng lên đáng kể. Từ đó đã góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân trong tỉnh.
2. Công tác nghiên cứu khoa học
Tổ chức nghiên cứu 17 đề tài khoa học cấp cơ sở - chủ yếu là đề tài thực tiễn, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở, sát với đối tượng của Trường có trách nhiệm đào tạo. Từ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và qua đó cũng nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên - một trong 2 nhiệm vụ cơ bản của giảng viên trường chính trị cấp tỉnh.
3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên
Cử 14 cán bộ, giảng viên đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đại học, sau đại học (hiện tại Trường có 11 thạc sĩ và 3 đang học cao học). Cử 114 lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn chuyên môn - nghiệp vụ do Trung ương tổ chức; 175 lượt cán bộ, giảng viên, công chức dự các lớp bồi dưỡng; 6 cán bộ, giảng viên dự thi nâng ngạch lên ngạch A2.1, A3.1.
4. Công tác Đảng, đoàn thể
Đảng bộ Trường luôn quan tâm phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể; giữ vững khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động; quyết tâm tổ chức thực hiện tốt các nội dung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nên Đảng bộ được Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu liên tục từ 2006 - 2009.
Công đoàn được công nhận Công đoàn vững mạnh - vững mạnh xuất sắc. Đoàn thanh niên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
5. Xây dựng cơ sở vật chất
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2008 Trường xây dựng được khu làm việc của cán bộ, giảng viên, công chức tương đối khang trang, xây dựng thêm khối ký túc xá 27 phòng. Năm 2010, khởi công xây dựng khối phòng học và thư viện (gồm 11 phòng học thường, 1 phòng học ngoại ngữ, 2 phòng học vi tính với tổng sức chứa 1.080 học viên và thư viện với diện tích sử dụng 312 m2); khối nhà nghỉ của giảng viên thỉnh giảng (10 phòng nghỉ, 1 phòng sinh hoạt chung) cùng với trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt.
Với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng, hoạt động của Trường nói chung, Trường đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng 03 cờ thi đua xuất sắc, Chính phủ tặng Cờ thi đua (2006), Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất (2010).
Kết quả đạt được trên đây là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường; sự hướng dẫn, tập huấn về nội dung chương trình và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị hữu quan ở Trung ương, ban ngành tỉnh và huyện, thành phố; sự nỗ lực học tập, rèn luyện của toàn thể học viên. Đồng thời kết quả đó còn là sự kế thừa, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đạt được của các thế hệ cán bộ của Trường đã qua.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thì còn những mặt hạn chế, nhất là việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, trong truyền đạt kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cơ sở; về năng lực nghiên cứu và tính ứng dụng của đề tài khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt xuống cấp, thiếu số lượng và chưa đồng bộ.
Để giữ vững, phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được và khắc phục những mặt hạn chế, đòi hỏi toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Trường Chính trị Phạm Hùng phải không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, quản lý, phục vụ để đủ sức hoàn thành tốt hơn nữa chức năng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt xây dựng đội ngũ giảng viên thật sự vững mạnh, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ chuyên môn sâu, rộng và khả năng sư phạm tốt, có kiến thức thực tiễn sâu sắc, phong phú đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy đối với cán bộ cơ sở. Quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đồng thời phát huy tính tích cực trong học tập, rèn luyện của học viên; tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình giảng dạy của giảng viên, học tập, sinh hoạt của học viên. Cùng với sự nỗ lực chủ quan, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh; sự hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ của cấp trên và sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị hữu quan trong quá trình hoạt động của Trường.