Học, học nữa, học mãi”…câu nói đã trở thành danh ngôn về học tập của Lê Nin. Câu nói này có lẽ phần lớn chúng ta điều hiểu. Tại sao phải học? Câu trả lời trước tiên là để phục vụ cho chính bản thân mình,để chúng ta còn tồn tại trong xã hội và sau đó là phục vụ cho xã hội .Con người từ khi sinh ra lớn lên và cho đến khi chết đi là một khoảng thời gian dài, trong khoảng thời gian đó con người không ngừng học tập để trưởng thành và tồn tại. Khi sinh ra ta học ăn, học nói, học cách đứng vững, lớn lên một chút ta bắt đầu học kiến thức, học chữ, học văn, học những biến đổi xung quanh ta….Lớn hơn một chút nữa ta lại học những kiến thức cao hơn để tạo thành một nghề nghiệp, nhằm nuôi sống bản thân, gia đình. Và như thế sự học cứ nối tiếp nhau không dứt.
Có người quan niệm cho rằng học xong đại học thế là xong, bấy nhiêu đó là đủ rồi, đã có thể đứng vững trong xã hội rồi. Thế nhưng họ quên rằng xã hội không dừng lại, nó luôn phát triển đi lên. Kiến thức mà ta đã học ở các trường đại học đến một lúc nào đó nó sẽ lỗi thời lạc hậu không phù hợp với sự phát triển của thời đại và thế là thực tiễn xã hội đặt con người chúng ta trước một yêu cầu mới là phải tiếp tục học để thích nghi với tồn tại xã hội mới, do vậy phải tiếp tục lên cao học, nghiên cứu sinh…Tuy nhiên đó chỉ là một khía cạnh về bằng cấp, có người có điều kiện thì sẽ theo con đường chuẩn hoá các bằng cấp để trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…Nhưng có những người không có điều kiện để lấy các bằng cấp ở các trường Cao đẳng, Đại học,…thì họ cũng vẫn học. Anh nông dân học cách trồng trọt làm sao cho năng suất, chất lượng ngày càng cao để tăng thu nhập gia đình, anh công nhân cũng học tập để làm sao có thể vận hành được các phương tiện máy móc, hiện đại, nâng cao tay nghề, những người buôn bán nhỏ vẫn phải học để biết được những diễn biến của thị trường những tính năng của hàng hoá, những vấn đề liên quan đến giá cả,…Và hơn ai hết cán bộ công chức càng phải học. Mặc dù đa số cán bộ công chức đều có những bằng cấp nhất định, chứng tỏ đã qua đào tạo bồi dưỡng đã có một trình độ nhất định, thế nhưng muốn thực hiện được công việc được giao một cách có hiệu quả thì không có con đường nào khác là phải không ngừng học tập, học để nâng cao lý luận, học để có nhận thức đúng đắn và từ đó nhận biết thực tiễn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn có hiệu quả phù hợp với tính chất, nội dung công việc.
Hiện nay trong đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta còn không ít những người có tâm lý ngại học tập, với nhiều lý do như:
- Bằng cấp đã có rồi chứng tỏ đã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cần phải học thêm.
- Tuổi tác đã lớn học không nổi hoặc học để làm gì khi sắp đến tuổi nghỉ hưu.
- Bận công việc gia đình, cơ quan.. Không có thời gian để học ..v..v…
Với hàng loạt lý do đó thì một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức đã không chịu đi học, thậm chí không chú trọng đến việc tự học dẫn đến hiện tượng là trình độ kiến thức lạc hậu lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thời đại mới, giải quyết các công việc theo những khuôn mẫu sẵn có mà không có sáng tạo, phát triển để nâng cao chất lượng công việc và đôi khi những khuôn mẫu sẵn có đó vốn đã là những cái đã được thay đổi mà họ không nắm bắt được …
Trong giai đoạn hiện nay, xã hội ngày không những càng phát triển mà còn phát triển với tốc độ rất nhanh. Sự nghiệp công nghiệp hoá. hiện đại hoá đất nước cùng với việc nước ta gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO… đã đặt cán bộ công chức nước ta trước những vấn đề khó khăn lớn mà khó khăn lớn nhất là phải làm sao nâng cao trình độ cho ngang tầm với yêu cầu của thời đại mới. Cán bộ công chức chúng ta phải là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới mà muốn trở thành lực lượng tiên phong thì phải có một trình độ lý luận vững vàng, có một kinh nghiệm thực tiễn dồi dào phong phú và phải biết kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để phục vụ cho hoạt động của mình.
Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương chính sách tạo mọi điều kiện để cho cán bộ công chức được tham gia học tập để nâng cao trình độ và xem đó là một vấn đề hết sức quan trọng. Thế nhưng đây chỉ mới là một phía, phía còn lại là đội ngũ cán bộ công chức cần phải có ý thức học tập, phải thấy học tập là một tiêu chuẩn quan trọng để tồn tại và phát triển trong đội ngũ cán bộ công chức giai đoạn hiện nay, nếu ta không học thì không đáp ứng được nhu cầu của công tác và không hoàn thành nhiệm vụ và hậu quả tất yếu cho những người không chịu tiến bộ đó là những người có năng lực trình độ sẽ thay thế cho những người không có năng lực trình độ đây là quy luật đào thải của xã hội.
Tuy nhiên cũng không nên xem trọng việc học chỉ là để đối phó, để giữ lấy địa vị. Nếu với quan niệm như thế thì cũng thật sai lầm , mục tiêu học tập không được xác định đúng thì từ đó có thể dẩn đến những tiêu cực trong học tập, ý nghĩa của học tập không đạt được.
Chính vì vậy từ những điều kiện mà Đảng và nhà nước đã tạo cho cán bộ công chức thì cần phải kết hợp với sự phấn đấu không ngừng của bản thân cán bộ công chức nhằm nâng cao trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức thì mới mang lại hiệu quả thực sự trong sự nghiệp học tập, mới có được đội ngũ cán bộ công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Kết thúc bài viết này tôi xin lấy câu danh ngôn về học tập của nhà văn M.Goocki (Nga) để chúng ta cùng suy ngẫm. “Cần phải học tốt tất cả mọi thứ. Con người càng hiểu biết nhiều thì càng được vũ trang tốt. Đó là điều rõ ràng không thể chối cãi được”./.