Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; nhân dân là chủ, công chức là công bộc của dân. Vì vậy, giá trị cao nhất của đạo đức công chức là trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân. Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức đều nhằm mục đích phục vụ nhân dân với thái độ, tinh thần làm việc tận tụy, trung thực, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng, tham ô... Chính vì thế mà trong Luật Cán bộ, Công chức được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2010 đã quy định một điều khoản như sau về đạo đức của cán bộ, công chức: “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.” (Điều 15).
Do đạo đức là một yếu tố trong tổng thể các thuộc tính của người công chức, đồng thời trong thực thi công quyền, chuyên môn tạo nên một quan hệ, còn đạo đức và pháp luật tạo nên mối quan hệ khác. Nếu chuyên môn tạo nên hiệu quả xã hội, thì pháp luật tạo ra hành lang chuẩn mực cho sinh hoạt xã hội. Hai yếu tố này có thể phát huy tối đa hay bị cản trở, đều có sự chi phối mạnh của các biểu hiện của đạo đức công chức. Một người có chức vụ cao, có trình độ, mà tham nhũng, ăn chơi trụy lạc thì đã "hủy diệt" cả tài và đức của bản thân... Hành vi bao che cho người phạm pháp chính là biểu hiện của sự sa sút đạo đức, đã vô hiệu hóa các chuẩn mực pháp lý vốn là thước đo của trật tự xã hội. Điều đó cho chúng ta thấy, rèn luyện đạo đức là một yêu cầu có tính nguyên tắc, là bắt buộc trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, hoàn thiện chế độ công vụ ở nước ta hiện nay cần phải hướng tới xây dựng hệ thống các chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.
Để nâng cao đạo đức công chức, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức, trong đó giáo dục có vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách người cán bộ, công chức. Từ truyền thống coi trọng đạo đức của dân tộc và quan điểm đức là gốc của người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc thực hiện giáo dục đề cao giá trị đạo đức, đề cao sự tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, công chức trong việc chuyển văn hóa đạo đức xã hội, các giá trị xã hội tiến bộ thành văn hóa đạo đức cá nhân; coi tiêu chí cao nhất để đánh giá hiệu quả của giáo dục đạo đức là ở chỗ những tri thức, những chuẩn mực đạo đức xã hội được lĩnh hội và biến thành sức mạnh đạo đức cá nhân, biểu hiện trong việc thực hiện các hành vi đạo đức thực tế. Bác Hồ dạy: "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" , do đó "Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời" . Vì vậy, tinh thần gương mẫu và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng của những cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục đạo đức công chức.
Giáo dục đạo đức công chức là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, tỷ mỉ và phức tạp, vừa cấp bách vừa lâu dài, phải thực hiện theo nhiều "kênh", nhiều biện pháp, nhiều hình thức, ở nhà trường, ở thực tiễn hoạt động công vụ và cả trong sinh hoạt hằng ngày. Đó là một quá trình giáo dục tổng hợp bao gồm giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa giao tiếp, ý thức lao động... Cùng với việc giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, kỹ năng lao động nghề nghiệp, cần chú trọng giáo dục tinh thần "hướng nội", khai thác giáo dục phẩm hạnh, lòng tự trọng, sự hảo tâm, lòng vị tha cao cả, tình thương yêu con người, đồng loại. Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức xã hội để xây dựng cho được thước đo giá trị đạo đức mới phù hợp với điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng lợi ích chính đáng của cá nhân. Đó là sự chuyển đổi giá trị từ nguyên tắc truyền thống "trọng nghĩa, khinh lợi" sang nguyên tắc mới "trọng cả nghĩa và lợi" theo yêu cầu của sự phát triển xã hội và những giá trị đạo đức hiện đại.
Cần đặc biệt chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Ở chừng mực nào đó, cần thiết phải thể chế hóa những quy phạm, nguyên tắc đạo đức thành những quy phạm pháp luật. Mặt khác, coi việc xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và răn đe cán bộ, công chức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước, vào pháp luật.
Giáo dục đạo đức là một quá trình thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, quá trình hình thành thế giới tinh thần cao đẹp và hoạt động thực tiễn phong phú, thể hiện niềm tin đạo đức, những hiểu biết về giá trị, chuẩn mực đạo đức; đồng thời, thông qua kết quả hoạt động để xác nhận một cách thực tiễn những giá trị đạo đức. Vì vậy, trong các chương trình giáo dục đạo đức ở nhà trường cũng như nội dung thi tuyển công chức cần chú trọng vào việc khắc sâu các giá trị và chuẩn mực công vụ trong tâm trí công chức ngay từ khi mới được tuyển dụng. Theo đó, cần tạo ra dấu ấn để ghi nhớ khoảnh khắc được trở thành công chức bằng lời hứa danh dự hoặc tuyên thệ giữ gìn đạo đức công chức trước sự chứng kiến của tập thể trong không khí trang trọng có tính chất lễ nghi. Cần có một ngày trong năm để tôn vinh “nghề công chức”. Trong khi nhiều ngành nghề khác trong xã hội như thầy giáo, thầy thuốc, nhà báo, doanh nhân… đều có ngày kỷ niệm thì người công chức Việt Nam chưa có ngày nào. Nên chăng, Chính phủ có thể chọn ngày 20 tháng 5 hàng năm làm “Ngày công chức Việt Nam” (kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam) để tôn vinh nghề công chức – một nghề lao động đặc biệt trong xã hội.
Giáo dục đạo đức là quá trình kết hợp giữa giáo dục và tự giáo dục, là sự thức tỉnh tự phán xử và làm cho lương tâm trong sạch. Mục tiêu của việc giáo dục đạo đức là quá trình biến nhận thức cái tất yếu thành cái tự do, biến ý thức nghĩa vụ thành tình cảm, thành niềm tin vững chắc, thành sự thôi thúc bên trong, hình thành ý thức cái cần phải làm để khỏi xấu hổ trước người khác và trước bản thân. Thông qua hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân, người công chức không chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình là cống hiến cho xã hội mà còn phát triển làm phong phú bản thân, tạo ra điều kiện cơ bản để đạt được hạnh phúc. Phẩm chất đạo đức không hình thành một cách ngẫu nhiên, nhất thời thông qua sự giáo dục đơn giản mà phải trải qua những hoạt động tích cực, lâu dài của cá nhân, bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện và tự nhận thức.
Trong công tác bồi dưỡng đạo đức công chức, không chỉ tạo điều kiện cho họ có được nhận thức về các vấn đề đạo đức mà cần chú trọng hơn việc xây dựng các kỹ năng cần thiết giúp công chức xử lý đúng đắn trong các tình huống khó xử liên quan đến đạo đức, đến cái lý, cái tình trong hoạt động công vụ cũng như trong đời sống thường nhật. Trước mắt, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ nội vụ, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cần phối hợp nghiên cứu đưa nội dung giáo dục đạo đức công chức vào trong các chương trình đào tạo từ trung cấp hành chính đến cao học hành chính, từ chương trình đào tạo tiền công vụ cho đến bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng chính quyền cơ sở, từ sơ cấp cho đến cao cấp chính trị - hành chính … Tuy nhiên, mỗi chương trình đào tạo cần phải được biên soạn theo một nội dung riêng phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, nội dung cần được xây dựng theo hướng giảm lý thuyết và tăng nội dung xử lý tình huống, giải quyết bài tập thực hành để học viên “thấm” hơn và khắc sâu hơn bài học. Tuy nhiên, công tác giáo dục đạo đức công chức chỉ đạt được hiệu quả cao khi biết kết hợp với hàng loạt giải pháp khác về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, chính sách động viên, khen thưởng, chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương và cả chế tài xử lý công chức khi cần thiết...