Nông nghiệp, nông thôn và nông dân từ trước đến nay luôn là vấn đề có tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có đoạn:“Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục giữ vị trí quan trọng: Nông nghiệp là cơ sở, nông thôn là địa bàn, nông dân là lực lượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng”. Với ý nghĩa đó trong giai đoạn hiện nay, tập trung sức phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện, tiền đề cho bước phát triển tiếp theo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nếu như nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định, thì vốn lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Vì vậy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Vĩnh Long nhanh hây chậm phụ thuộc rất lớn vào vấn đề vốn đầu tư với hai nội dung chủ yếu là: Chính sách huy động vốn và việc sử dụng vốn đầu tư.
Nhưng năm qua Vĩnh Long đã tập trung nhiều vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt là cho kết cấu hạ tầng nông thôn, song do nguồn vốn có hạn nên không thể đầu tư tất cả các lĩnh vực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn như mong muốn; vốn đầu tư cho nông nghiệp đạt từ 16,53% năm 2006, giảm xuống còn 5,98% năm 2008 trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh hàng năm. Tính theo số tuyệt đối thì năm 2006 tổng đầu tư là 66,35 tỷ đồng – chiếm 1,02% giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2008 là 41,81 tỷ đồng – chiếm 0,54% giá trị sản xuất nông nghiệp [Đề án tam nông của tỉnh], năm 2009 là 159,52 tỷ đồng - chiếm 1,16% giá trị sản xuất nông nghiệp [Cục thống kê tỉnh Vĩnh Long]. Như vậy nếu so với WTO quy định: Hàng năm Nhà nước đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp không quá 10% giá trị sản xuất nông nghiệp. Thì vốn đầu tư từ Nhà nước của tỉnh cho nông nghiệp quả là còn quá ít, chỉ xắp xỉ 1%/năm (năm 2006 là 1,02%, rồi giảm xuống còn 0,54% vào 2008 và năm 2009 tăng lên chiếm 1,16% giá trị sản xuất nông nghiệp). Việc khống chế mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp không quá 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của WTO cho thấy: Các quốc gia luôn có nhu cầu và nhu cầu ngày càng cao trong việc dùng ngân sách đầu tư hổ trợ cho nông nghiệp, nhằm tạo tiền đề và điều kiện cho nông nghiệp phát triển, trong khi đó Vĩnh Long do nguồn ngân sách có hạn nên đầu tư còn chiếm tỷ trọng thấp so với giới hạn cho phép của WTO.
Vì vậy cần tìm mọi biện pháp khai thác nguồn vốn cả trong nước và ngoài nước, của các cá nhân, doanh nghiệp và nguồn tài trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Trong các nguồn vốn đầu tư cần coi trọng nguồn vốn đầu tư của bản thân nông nghiệp và nông dân, đây là hướng cơ bản lâu dài để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Để khai thác tốt nguồn vốn phục vụ phát triển trên địa bàn nông thôn, cần phải tập trung thực hiện một số biện pháp cơ bản sau:
Một là: Nhà nước đầu tư từ ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng các kho dự trữ Quốc gia để dự trữ nông sản cho nông dân khi cần thiết; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống cây, con phù hợp với đặc điểm sinh thái cho nông dân; đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn.
Hai là: Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển kinh tế nông thôn dưới nhiều hình thức như: Thành lập các trang trại, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; hình thành các nhà máy chế biến nông sản, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp nông thôn cùng với khôi phục và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống. Mặt khác, cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư tự tích lũy vốn để đầu tư phát triển, muốn vậy Nhà nước cần có chính sách bảo hiển những nông sản chủ yếu, hỗ trợ khi gặp rủi ro trong kinh doanh; có chính sách hợp lý đối với những sản phẩm xuất khẩu…
Ba là: Xây dựng những dự án phát triển hấp dẫn với những điều kiện đầu tư thuận lợi, để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thuỷ sản. Tránh để nhà đầu tư nản lòng vì chờ bàn giao đất hoặc để nhà đầu tư tự thoả thuận với nông dân.
Trong thời gian tới cần tăng hơn nữa tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước thông qua kênh tín dụng dành cho khu vực nông thôn trong tổng vốn tín dụng của Nhà nước. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa to lớn trong phát triển nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vừa qua Chính phủ đã có gói “kích cung” cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn với mức lãi suất ưu đãi, bước đầu đã thúc đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Tuy nhiên lượng vốn cho vay còn ít, thời gian cho vay còn ngắn, chưa đáp ứng nhu cầu vốn cho sán xuất và thời gian cho vay chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi. Hướng tới cần tăng vốn cho vay trung hạn và dài hạn để nông dân có điều kiện sản xuất và hoàn lại vốn vay bằng chính sản phẩm thu hoạch của mình.
Bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu kinh tế nông thôn đang biến đổi theo hướng gia tăng các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, cơ cấu cho vay cũng phải được mở rộng và tăng khối lượng tiền cho vay, đặc biệt ở các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Ngay cả khi cho vay cũng nên tập trung vào những khâu có tính chất quyết định, chẳng hạn như đổi mới công nghệ; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo ra giá trị hàng hoá lớn; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...Sự trợ giúp về vốn của nhà nước có ý nghĩa như một “cú huých” để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, làm chuyển biến mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn Vĩnh Long theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, để nguồn vốn có thể tạo ra sức mạnh mới cho kinh tế nông thôn, kênh tín dụng cần đầu tư theo định hướng sau đây:
Thứ nhất: Ưu tiên đầu tư vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế về sinh thái nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá cả rẻ, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong khu vực và thế giới như: Khoai lang, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản... và các loại cây ăn trái là những cây trồng chủ lực của tỉnh có giá trị kinh tế cao, hiệu quả xuất khẩu lớn như: Xoài cát, bưởi năm roi, cam sành, sầu riêng Ri6,…Đầu tư vào các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến.
Thứ hai: Đầu tư nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa gắn với phát triển công nghiệp nông thôn. Trước hết là công nghiệp chế biến nông nghiệp - thủy sản - khâu quyết định đến chất lượng cũng như vệ sinh công nghiệp đối với sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra cần đầu tư thỏa đáng để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển làng nghề ở các địa phương, trên cơ sở đó giải quyết việc làm dư thừa trên địa bàn nông thôn.
Thứ ba: Để nông thôn Vĩnh Long phát triển bền vững cần có chiến lược đào tạo nghề cho lực lượng lao động “bứt ra” từ nông nghiệp, để tham gia vào các ngành nghề mới ở nông thôn. Thông qua các trung tâm dạy nghề các huyện mà đào tạo nghề cho học sinh phổ thông thôi học, các em có ý muốn lao động tại nông thôn. Qua việc đào tạo nghề thực tế và những kiến thức sơ đẳng sẽ làm tăng khả năng lao động, bù đắp những nhược điểm do trình độ học vấn thấp ở nông thôn.
Thực hiện tốt chính sách huy động vốn và việc sử dụng vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sẽ góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó cũng chính là định hướng phát triển của Vĩnh Long trong những năm tiếp theo: “Huy động mọi nguồn lực, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại”[Văn kiện Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, tập I, trang 34].