Trong xóm nơi tôi ở, có hai cậu học trò láng giềng học cùng trường, cùng khối nhưng khác lớp. Mỗi buổi chiều thứ bảy hàng tuần, sau khi cơm nước xong, hai cậu thường ra trước sân nhà tán gẫu với nhau cho đến khi chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam phát hình mới thôi. Đây là câu chuyện mà tôi tình cờ nghe được của chúng nó ngay tuần học đầu tiên của năm học mới.
- Ê Tùng, năm nay thời khoá biểu khối lớp chín của mình có một tiết “ Hướng nghiệp” mỗi tuần, lớp tao sáng nay tiết đó không có học, ông thầy bị bịnh rồi, “ Hướng nghiệp” là gì hả mậy?
- Lớp tao học rồi, tiết đầu tiên vào hồi sáng hôm qua. Hướng nghiệp đại khái là môn học giúp tụi mình sau khi học xong phổ thông trung học sẽ chọn được một cái nghề mà mình vừa yêu thích, vừa phù hợp và vừa có ích để thi vào. Ông thầy nói, muốn chọn nghề có khoa học thì phải đảm bảo đầy đủ cả ba nguyên tắc.
Một là, không chọn nghề mà bản thân mình không yêu thích.
Hai là, không chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện về tâm lý, thể chất để đảm nhận.
Ba là, không chọn nghề nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Nghe mầy nói hơi bị khó hiểu quá, làm sao mà bảo đảm được cả ba điều kiện đó được, có người họ yêu thích nghề nầy lại thi không đậu, có người thi đậu học xong lại làm nghề khác, có người học xong đúng nghề nhưng ra trường không kiếm được việc để làm.Theo mầy, lớn lên mầy thi và làm nghề gì?
- Nghe thầy cô nói “ nhất y, nhì dược”, nghề y đối với tao không được rồi, thể chất tao tốt nhưng tâm lý của tao thì không ổn, vì tao rất sợ máu, thấy nó chắc tao xỉu quá.
- Thế còn nghề dược, mầy học giỏi cả ba môn: toán, hoá, sinh thì thi ngành dược đi. Thầy dạy hoá của tao nói tốt nghiệp ngành dược ra trường mở quầy thuốc bán mau giàu lắm.
- Ừ, ông thầy cũng nói ở lớp tao như vậy. Bởi vì các thứ thuốc trị bệnh bán giá bao nhiêu chả được, không có ai mua thuốc trị bệnh mà trả giá bao giờ. Nhưng với tao, nghề ấy không hợp rồi, vì điều kiện nhà tao nghèo, có tiền đâu nuôi tao học, có học được chăng nữa thì cũng không có tiền để mở cửa hiệu, còn nếu như cho người khác thuê cái bằng của mình như ông thầy nói, nếu người ta ham lời bán bừa bãi, người bệnh họ uống rủi có chuyện gì xảy ra thì mình là người đi tù trước tiên.
- Vậy thì mầy thi vào sư phạm làm ông thầy được đó.
- Làm giáo viên à, tao lại không có khiếu ăn nói, tính tình tao thì hay nóng nảy, nếu dạy các em nhỏ, chúng nó quậy, tao nổi nóng - tao đập, phụ huynh chúng nó kiện, trước sau gì thì tao cũng bị đuổi.
- Thế thì thi và học để sau nầy về làm anh công an đi, tao thấy công an ai cũng giàu, nhất là công an giao thông.
- Công an cũng được đó, lý lịch nội, ngoại tao đều tốt, học lực tao không đến nỗi nào. Nhưng tao nghe các cô chú người lớn họ nói công an bây giờ cũng có người dính vào các vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tham gia vô cả bọn xã hội đen…Biết đâu khi tao trở thành một anh công an thì tao cũng những người đó rồi sao ?.
- Thì mầy cố làm sao đừng như họ là được rồi.
- Biết có cố được không.
- Thôi thì mầy thi và học để trở thành một anh kỹ sư nông nghiệp vậy. Nghề nầy vừa là truyền thống của gia đình vừa phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mình như ông thầy dạy hướng nghiệp đã nói đó.
Ôi thôi, nông nghiệp thì chán lắm.
- Vì sao lại chán?
Mầy không nghe đài truyền hình, đài phát thanh họ nói hoài à, trồng lúa thì thường bị bệnh đạo ôn, lùn xoắn lá, sâu, rầy… bán giá thấp, phân, thuốc thì cao không có lời. Nuôi gà, vịt thì bị cúm gia cầm, nuôi heo thì bị lở mồm long móng, còn nuôi cá thì bị các ông nước ngoài họ bắt phải nộp thuế cao không tranh nổi với các nước khác.v. v…Ôi thôi đủ thứ phải chịu! nghề nầy tao thấy tương lai không ổn.
Nghe đến đây tôi rất sốt ruột chẳng kém gì cậu bé kia đang ngồi đối thoại trực tiếp với chú bé tên Tùng nọ, cớ sao đã có đến năm cái nghề đã được nêu ra trong câu chuyện mà cậu ta không thích và chọn lấy một nghề, cậu ta kén chọn hay giở thói “ ta đây” bắt chước người lớn. Tôi đang suy nghĩ miên man thì nghe cậu bé kia vừa hỏi vừa giục.
- Không nghề nào được à, vậy mầy muốn làm gì khi lớn lên, không lẽ học xong rồi thôi, hay cưới vợ sinh con?
- Có chứ, tao đã ưng ý một nghề, nghề nầy trong tương lai tao chắc chắn là rất dễ xin việc, có nhiều việc để làm và luôn luôn phải bận rộn.
- Nghề gì mà ngon dữ, nói nghe đi mậy .
Đó là nghề thư ký cho ông tòa. Học xong phổ thông tao sẽ thi và học ngành luật. Tao không có tham vọng sẽ ngồi ghế luật sư hay chánh án mà chỉ xin cái ghế của anh thư ký ở cấp nào cũng được. Bởi vì tao thấy trên ti vi hàng ngày đều có tin đưa ở bộ nầy, ngành kia; ở tỉnh nầy, tỉnh khác; ở huyện nầy, huyện nọ…có nhiều ông cán bộ to lấy tiền của dân bỏ túi riêng, đánh bạc…; lấy đất của dân làm tài sản của gia đình mình… Những việc làm đó người lớn gọi là “tham nhũng” cần phải chống đến cùng đừng để cho nó xẩy ra nữa. Nhưng tao thấy trên ti vi càng ngày họ đưa các tin ấy càng nhiều thêm chứ không có bớt đi. Như vậy, toà án các cấp phải xét xử dài dài, mỗi ngày càng nhiều thêm, có nhiều vụ xử đi rồi phải xử lại nhiều lần.Thế thì tao sẽ có việc để ghi hoài hoài.
Nói đến đó, cậu bé trai tên Tùng cười giòn sảng khoái. Nghe cậu ta cười mà tôi thấy trong lòng bồn chồn, nao nao. Phải chăng, việc làm của người lớn đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của trẻ con, chúng nó đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Ấy vậy mà, chúng đã phải trăn trở với những việc người lớn đã làm./.