Để nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, các trường có nhiều biện pháp, nhưng biện pháp quyết định nhất vẫn là đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều năm qua, tập thể giảng viên Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long tích cực nghiên cứu, trao đổi, học tập và từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Song cũng cần phân biệt và làm rõ giữa đổi mới phương pháp giảng dạy với việc sử dụng các phương tiện trong dạy học. Có như vậy việc đổi mới phương pháp giảng dạy mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
Đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới lề lối, cách thức, các biện pháp, sử dụng các phương tiện dạy học một cách tốt nhất để có hiệu quả cao nhất trong giảng dạy. Đặc trưng của đổi mới phương pháp giảng dạy là phát huy tính tích cực của người học, học viên đóng vai trò chủ động trong suốt quá trình học tập, thay vì chỉ ngồi nghe giảng viên nói một cách thụ động. Yêu cầu cao nhất của việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới là làm sao lôi cuốn được người học tham gia một cách tích cực nhất. Đổi mới phương pháp dạy học phải gắn với việc xác định các định hướng cách thức thực hiện phương pháp giảng dạy mới đó: như phát huy tính tích cực của người học; kết hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp khác; phát huy khả năng tự học của học viên; sử dụng tốt các phương tiện dạy học, nhất là các phương tiện hiện đại; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Trong quá trình áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy chúng ta cần phân biệt giữa đổi mới phương pháp với việc sử dụng các phương tiện, dụng cụ trong giảng dạy. Bản chất đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới cách thức tiến hành, đổi mới sử dụng các phương tiện và hình thức, trên cơ sở khai thác triệt để các ưu điểm và sử dụng linh hoạt các phương pháp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học. Còn việc sử dụng các phương tiện, dụng cụ trong giảng dạy là để giúp cho giảng viên thực hiện tốt phương pháp giảng dạy của mình. Một phương pháp tốt là phương pháp biết sử dụng linh hoạt, đa phương tiện, dụng cụ, phù hợp với nội dung, đối tượng người học và đạt được mục đích đề ra một cách có hiệu quả nhất.
Như vậy để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao, người giảng viên phải biết sử dụng nhiều phương pháp, nhiều phương tiện, công cụ một cách linh hoạt. Nếu như người giảng viên chỉ sử dụng độc nhất một phương pháp hay một công cụ nào đó thì sẽ tạo ra sự ức chế, thụ động cho người học, hiệu quả sẽ không cao.
Thực tế thời gian qua, tập thể giảng viên trong nhà trường đã mạnh dạn, từng bước thực hiện đổi mới phương pháp và sử dụng phương tiện trong giảng dạy: kết hợp phương pháp thuyết trình với hỏi đáp; thuyết trình với thảo luận tình huống; áp dụng phương pháp kiểm tra, đánh giá bằng câu hỏi trắc nghiệm; sử dụng giấy, bảng để học viên nêu vấn đề và tổng kết; soạn giáo án điện tử, sử dụng máy chiếu, đầu máy Projector... Từ việc đổi mới phương pháp và việc sử dụng phương tiện giảng dạy trong nhà trường, đã mang lại không khí học tập mới, tâm lý tự tin, tự chủ trong học tập, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng thời gian qua trong nhà trường.
Ngược lại, nếu như chúng ta lạm dụng sử dụng một phương pháp nào đó hay một phương tiện nào đó trong suốt quá trình giảng dạy thì kết quả và hiệu quả sẽ bị hạn chế.
Đặc biệt nếu như giảng viên sử dụng máy chiếu xuyên suốt trong cả buổi học, ngày học và trong điều kiện phòng học, máy chiếu không đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ làm cho người học cảm thấy đơn giản hoá, nhàm chán, căng thẳng và mệt mỏi dẫn đến hiệu quả giảng dạy không cao.
Chúng ta đều biết máy chiếu Projector là công cụ hiện đại, nó giúp cho giảng viên giảm nhẹ việc thuyết giảng, đọc cho học viên ghi, do đó có điều kiện tăng cường sự đối thoại, thảo luận với người học, đồng thời kích thích tâm lý người học, khám phá cái mới và có điều kiện quan sát, chủ động làm rõ những vấn đề cần nghiên cứu. Nhờ vậy mà quá trình học tập trở nên hứng thú và người học ghi nhớ lâu. Nhưng chúng ta lạm dụng nó, coi việc sử dụng nó là mục tiêu của đổi mới phương pháp thì hiệu quả không cao.
Thực tế qua khảo sát bằng phiếu thăm dò ở một lớp có 35 học viên, trong điều kiện giảng viên sử dụng máy chiếu Projector liên tục (20 tiết) cho kết quả như sau: có 44,77% học viên cho là rất thích học có máy chiếu; có 36,84% học viên cho là tạm được. Cả học viên thích học và học viên tạm được đều với lý do có số liệu, hình ảnh sinh động, giảng viên có thời gian giảng nhiều hơn. Bên cạnh đó có 18,42% không thích học với máy chiếu với lý do ghi không kịp, nhìn không rõ.
Trong năm 2007 nhà trường tổ chức hội giảng, có 6 giảng viên được các khoa cử đăng ký tham gia, thì có đến 05 giảng viên sử dụng máy chiếu Projector. Trong thao giảng, các giảng viên vừa sử dụng máy chiếu vừa kết hợp với đặt câu hỏi để học viên trả lời, vừa cho học viên ghi ý kiến vào giấy có tổng kết... Mức độ các giảng viên sử dụng các phương pháp và phương tiện có khác nhau. Nhưng qua kết quả tập thể giảng viên bỏ phiếu bình chọn với số điểm cao nhất thuộc về giảng viên biết sử dụng nhiều phương pháp, nhiều phương tiện một cách nhuần nhuyễn nhất trong tiết giảng.
Qua đó chúng ta có thể khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy học là để đạt được hiệu quả cao nhất trong giảng dạy. Để đạt được hiệu quả cao thì giảng viên phải biết sử dụng thành thạo, hợp lý nhiều phương pháp, nhiều phương tiện trong bài giảng.