Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền giáo dục mới của nước ta, là người tận tâm tận lực lo cho giáo dục, cho thế hệ mai sau, đã thể hiện khá nhiều trong thư, bài nói, bài viết, chỉ thị,... của Người; trước lúc đi xa Bác còn để lại trong di chúc “... bồi dưỡng thế hệ cách mạng đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết ...”.
Tấm lòng của Bác lo cho sự nghiệp giáo dục tức là lo cho chuyện mai sau của đất nước cho nên Bác rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên, yêu cầu rất cao đối với lực lượng này: phải có đạo đức trong sáng, phải làm kiểu mẫu cho học sinh, Bác khẳng định “nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và rất vẻ vang, vì không có thầy giáo thì không có giáo dục”; hơn thế nữa giáo dục chính là chìa khóa để mở cửa các lĩnh vực; không có cán bộ là không có ai lo cho việc nước, không có kinh tế phát triển thì đất nước cứ nghèo khó triền miên... tất cả đều phải từ lò đào tạo của giáo dục mới có được các cá nhân, các tập thể lo cho dân, cho nước. Từ ý nghĩa quan trọng ấy mà vấn đề giáo dục đạo đức cho giáo viên làm cho đội ngũ giáo viên thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh để họ đứng vững trên bục giảng. Và cũng chính từ bối cảnh thực tế hôm nay ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng cũng còn không ít vấp váp: đó đây cũng xuất hiện một số thầy cô giáo thiếu cái tâm cái đức trong xử lý học sinh, vi phạm chuẩn mực sư phạm; căn bệnh chạy theo thành tích dẫn đến tình trạng đưa học sinh ngồi “nhầm” lớp, gian lận trong thi cử, vì mưu sinh một số giáo viên dạy thêm học thêm ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục... từ thực tế ấy, ít năm trước đây Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu ra “... nói đến chất lượng giáo dục trước hết phải nói đến vai trò rất quan trọng của thầy giáo, cô giáo...” ông cũng rất trân trọng về sự cống hiến của quý thầy cô giáo đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục và yêu cầu ngành giáo dục nêu những tấm gương sáng ấy: Tổng Bí thư vẫn còn ái ngại “... một số giáo viên còn có những biểu hiện chưa toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và một bộ phận không đủ điều kiện đảm nhận trọng trách làm thầy...” ông còn chỉ ra: phải có những người thầy giỏi có lương tâm mới có học trò giỏi và có đạo đức; ngành giáo dục cần hết sức chăm lo giúp đỡ, bồi dưỡng các thầy giáo, cô giáo. Và báo chí dư luận xã hội còn nêu ra vụ việc cụ thể bức xúc khác về đạo đức mà ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên cần phải khắc phục.
Từ những vấn đề nêu trên, ngành giáo dục cần quan tâm tổ chức học tập đạo đức Bác Hồ, nâng cao phẩm chất đạo đức cho giáo viên ngay từ giảng đường, để cho họ có những hành trang cần thiết đứng vững bên bục giảng sau này.