Kinh tế hợp tác là nhu cầu và là xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Các đơn vị kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo và cùng với kinh tế hợp tác mà đỉnh cao là kinh tế hợp tác xã, dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Hợp tác xã là một loại hình kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân và hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. So với các loại hình doanh nghiệp thì hợp tác xã là loại hình kinh tế có tính nhân văn sâu sắc vì hoạt động của nó không thuần tuý là lợi nhuận, mà còn mang tính xã hội, tính cộng đồng rất cao.
Hợp tác xã là mô hình kinh tế phù hợp với số đông người lao động, những người sản xuất nhỏ, họ có thể dễ dàng liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể với sức mạnh của các thành viên, để giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Nước ta đã là thành viên của WTO, nên thị trường mở rộng, cung ứng và cạnh tranh mang tính toàn cầu và theo qui luật chung.
Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thế mạnh cơ bản hiện nay vẫn là nông nghiệp mà chủ yếu là lúa gạo, trái cây và thuỷ sản. Thế nhưng người dân vẫn còn sản xuất theo truyền thống, theo kinh nghiệm cá nhân một cách riêng lẻ. Do vậy chưa tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, chất lượng đồng bộ, ổn định, chưa có nhiều thương hiệu nổi tiếng để cung cấp cho các nhà tiêu thụ lớn và xuất khẩu.
Một ví dụ thực tế từ hệ thống siêu thị Sài gòn Co.cop mỗi ngày tiêu thụ trên 10 tấn rau xanh, nhưng họ chỉ mua rau từ khách hàng có hợp đồng trước, sản phẩm phải có thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá cao hơn giá thị trường và có phương tiện vận chuyển đến tận nơi sản xuất. Thông tin đó quá hấp dẫn với người sản xuất rau, thế nhưng một người thì không thể đáp ứng được, mà đòi hỏi phải có nhiều người và diện tích lớn, canh tác phải luân canh hợp lý và một yếu tố quan trọng là phải biết quản lý, liên kết.
Thực tiễn thứ hai, ĐBSCL, đồng bằng Bắc Bộ là nơi có nguồn nguyên liệu xuất khẩu gạo dồi dào, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Nhưng gạo chúng ta phần lớn chỉ có tên chung là gạo Việt Nam, giá thường thấp hơn gạo Thái Lan. Nguyên nhân chính làm cho giá gạo thấp là chất lượng không đồng bộ, trên cánh đồng vài trăm hecta thì ít gì cũng có năm bảy giống lúa khác nhau, ai muốn gieo trồng giống nào là tự ý, thu hoạch cũng không giống nhau, người vừa thu hoạch thì bán ngay, người mang về phơi khô mới bán, người sử dụng máy sấy, ai mua có giá thì bán. Người mua trực tiếp của nông dân thường không phải là doanh nghiệp mà là các thương lái “trôi nổi” mua ép giá, lúa tốt như lúa thường, năm bảy giống lúa khác nhau đem bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều giống lúa xay xát chung thành gạo xuất khẩu được gọi tên chung là gạo Việt Nam.
Qua hai ví dụ trên cho thấy trong điều kiện hội nhập như hiện nay, đòi hỏi nhất là nông dân, người sản xuất nhỏ, vốn ít phải hợp tác, liên kết với nhau, để tồn tại, phát triển và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Muốn vậy trước nhất phải làm cho mọi người hiểu được vai trò của kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã, trước nhất là trong cán bộ, sau đó là quần chúng nhân dân. Phải đi từ các tổ hợp tác dần phát triển thành hợp tác xã là con đường chắc chắn nhất. Khác với hợp tác xã trước đây gọi là: “hợp tác xã toàn xã” tức là các hộ gia đình trong xã đều là xã viên hợp tác xã và hợp tác xã được thành lập chủ yếu bằng kế hoạch và mệnh lệnh hành chính. Hợp tác xã ngày nay phải được thành lập trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện đúng nghĩa của nó và hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nói tóm lại hợp tác xã ngày nay về địa vị pháp lý không khác gì so với các loại hình doanh nghiệp.
Hiện nay, nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự thành lập, phát triển hợp tác xã, nhưng hợp tác xã vẫn chưa phát triển mạnh do phần lớn người dân còn nghi ngờ, không tin tưởng vào tính hiệu quả của mô hình kinh tế nầy, bởi dấu ấn làm ăn không hiệu quả của tập đoàn, của hợp tác xã thời kỳ bao cấp đã ăn sâu vào người dân. Để xóa bỏ tư tưởng hợp tác xã kiểu cũ thì hiệu quả nhất là tạo ra những bức tranh thực tế sinh động về hợp tác xã kiểu mới, phải làm cho người tham gia hợp tác xã thấy được lợi ích thiết thực để chứng minh, để tuyên truyền, vận động. Hoa kỳ là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, nhưng tính bình quân cả nước cứ 10 người dân thì có 4 người là xã viên hợp tác xã. Kinh tế hợp tác xã được Hoa kỳ xem là thành phần kinh tế quan trọng thứ tư của quốc gia . (1)
Tóm lại trong điều kiện hiện nay, vai trò kinh tế hợp tác là rất quan trọng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đòi hỏi trong lĩnh vực nầy phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau bằng các phương thức tổ hợp tác và hợp tác xã.
(1)- xem phong trào hợp tác xã quốc tế qua các thời kỳ-nxb Chính trị quốc gia. H2001