Việc thực hiện quyền bình đẳng trong giáo dục nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt Nam gấm vóc tươi đẹp là do bàn tay người phụ nữ trẻ cũng như già đan dệt mà thành”. Từ trước đến nay, dù ở giai đoạn nào, bất kỳ lĩnh vực nào, công tác cán bộ nữ cũng luôn được coi trọng.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, giáo dục, nghiên cứu khoa học. Trong hoàn cảnh thực tế, vừa công tác, vừa chăm sóc gia đình, việc học tập của chị em phụ nữ có phần khó khăn hơn so với nam giới. Tuy nhiên, do xác định được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời có ý thức vươn lên tự giải phóng mình, kết quả phấn đấu của chị em trong mọi lĩnh vực công tác ngày càng được khẳng định. Vì vậy, các thế hệ nữ cán bộ của tỉnh nhà đã trưởng thành nhanh chóng, đã có nhiều chị được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ là lãnh đạo cấp Bộ, cấp Uỷ ban nhân dân; trưởng, phó đầu ngành… Các chị đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Các chị thật sự là những người “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”.
Theo báo cáo của Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2001 – 2006, tỷ lệ chị em nữ của tỉnh chiếm 51,39% dân số. Tổng số hội viên toàn tỉnh là 111.314 hội viên, chiếm tỷ lệ 44,89% trong độ tuổi Hội quản lý. Trong 05 năm qua, tổ chức Hội các cấp trong tỉnh đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị được 230 chị; đào tạo chuyên môn được 258 chị. Tỷ lệ nữ ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội tham gia lãnh đạo quản lý chỉ chiếm 8,86%.
Theo số liệu thống kê tại Phòng Quản lý Đào tạo của trường Chính trị Phạm Hùng, từ năm 2000 đến năm 2005, số lượng học viên được triệu tập cho các chương trình đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ rất đông, nhưng trong đó lượng học viên là nữ được đào tạo tại trường, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị chiếm tỷ lệ rất ít.
- Năm 2000: Nhà trường mở 14 lớp, có 931 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 109 đồng chí, chiếm tỷ lệ 11,7%. Trong đó có 06 lớp đào tạo lý luận chính trị với tổng số 401 học viên theo học, có 46 học viên là nữ, chiếm tỷ lệ 11,4%.
- Năm 2001: Nhà trường mở 15 lớp, có 974 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 131 đồng chí, chiếm tỷ lệ 17,8%. Trong đó có 04 lớp lớp đào tạo lý luận chính trị với tổng số 291 lượt học viên theo học, có 66 học viên là nữ, chiếm tỷ lệ 22,6%.
- Năm 2002: Nhà trường mở 18 lớp, có 1.516 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 200 đồng chí, chiếm tỷ lệ 13,1%. Trong đó có 04 lớp đào tạo lý luận chính trị với tổng số 189 học viên theo học, học viên nữ là 69 đồng chí (có 01 lớp trung cấp lý luận chính trị - nghiệp vụ phụ vận có 39 đồng chí theo học), chiếm tỷ lệ 36,5%.
- Năm 2003: Nhà trường mở 31 lớp, có 2.461 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 290 đồng chí, chiếm tỷ lệ 11,7%. Trong đó có 04 lớp đào tạo lý luận chính trị với tổng số 208 học viên theo học, học viên nữ là 49 đồng chí, chiếm tỷ lệ 23,5%.
- Năm 2004: Nhà trường mở 19 lớp, có 1.623 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 123 đồng chí, chiếm tỷ lệ 7,5%. Trong đó có 04 lớp đào tạo lý luận chính trị, có 278 học viên theo học. Học viên nữ là 26 đồng chí, chiếm tỷ lệ 9,3%.
- Năm 2005: Nhà trường mở 28 lớp, có 2.070 lượt học viên theo học. Học viên nữ là 170 đồng chí, chiếm tỷ lệ 8,2%. Trong đó có 08 lớp đào tạo lý luận chính trị với 584 học viên theo học. Học viên nữ là 49 đồng chí, chiếm tỷ lệ 8,3%.
Các số liệu trên cho thấy, công tác đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị lẫn chuyên môn cho giới nữ ở các cấp, các ngành hiện nay số lượng còn ít. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo, các ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho chị em nữ nhằm thực hiện tốt Mục tiêu tổng quát vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2000 – 2010 đã được Chính phủ phê duyệt là: “Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền lợi cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội”. Để thực hiện được mục tiêu trên, cần phải có sự hợp tác, giúp đỡ của tổ chức Đảng, Chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “ Giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên phải tiến hành thường xuyên, triệt để, thu hút cả xã hội tham gia và phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”. (HCM toàn tập, T6, NXB Chính trị Quốc gia, HN 1995, tr.433).
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền đối với đội ngũ cán bộ, công chức nữ. Cần có chế độ ưu tiên đối với cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ được học tập, nghiên cứu, động viên họ tự học, tự bồi dưỡng.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Vĩnh Long phải có chương trình, kế hoạch để chủ động đề xuất với các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền về công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nữ nhằm phục vụ cho việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ nữ theo đúng tiêu chuẩn chức danh và năng lực sở trường. Mặt khác, Hội cần củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các ngành, các trường học. Hoạt động của các ban này cần phải năng động trong công tác và mạnh dạn trong đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và vì sự bình đẳng, tiến bộ của chị em ở các cấp, các ngành.
- Bản thân chị em nữ cần biết phát huy nội lực của chính bản thân mình, phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập để tự phấn đấu vươn lên. Chị em cần phải biết chủ động sắp xếp công việc của cá nhân, gia đình và của tập thể cơ quan, khắc phục khó khăn để học tập. Sự tự thân vận động của mỗi bản thân chị em là điều kiện quyết định để xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng vững mạnh.
Tóm lại, việc giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ là công việc cần thiết nhằm đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới hiện nay. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào công tác lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành và góp phần thực hiện tốt nội dung, chuẩn mực mới của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, văn minh.