Giao thời là thời điểm chuyển giao giữa hai giai đoạn, giữa hai thời kỳ giữa lúc cái mới bắt đầu trong khi cái cũ chưa hết. Đó là lúc tranh sáng, tranh tối. Ở khoảng thời gian ấy con người ta có những xu hướng, suy nghĩ khác nhau.
Mặt tích cực trong đại đa số là làm sao cho xã hội ngày một tốt lên, với những định hướng những ý tưởng tốt đẹp, họ đấu tranh một cách kiên quyết vì sự tồn tại vững chắc của cái mới tiến bộ, tích cực.
Tuy nhiên, một số không nhỏ lại tìm mọi cách để “vinh thân, phì gia” - họ luôn đặt lợi ích của cá nhân, lên hàng đầu - họ chạy chức, chạy quyền bằng mọi giá. Đó chính là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ công chức diễn ra nghiêm trọng.
Do đó, trong buổi giao thời phải nhìn cho rõ, suy cho kỹ để định hướng sắp xếp đúng đội ngũ, loại bỏ những kẻ đầu cơ, cơ hội giải tỏa được các định kiến. Phải xác định rõ người cán bộ như tinh thần nghị quyết đại hội X đã đề ra: “Cán bộ phải là người có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phấn đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách; có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân”.
Và vì vậy cần “có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; thay thế kịp thời những người kém năng lực và kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng”. Khắc phục những biểu hiện cá nhân, cục bộ, không công tâm, nể nang, tuỳ tiện trong công tác cán bộ, từng bước xây dựng đội ngũ CB-CC vừa có tâm vừa đủ tầm đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH đất nước.