Hiện nay công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cho cán bộ công chức đang là một vấn đề được Đảng và nhà nước ta hết sức quan tâm, chú trọng. Hoạt động này được giao chủ yếu cho hệ thống các trường như: Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện trực thuộc; các Trường chính trị tỉnh, thành; các Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị.
Một trong những vấn đề quan trọng để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả đó là biên soạn các giáo trình dành cho việc giảng dạy và học tập. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã cho biên soạn các chương trình học với các nội dung phù hợp với từng hình thức đào tạo và bồi dưỡng ở các cấp như: Ở Trung ương thì có chương trình dành cho đại học chính trị, đại học hành chính, cao cấp chính trị,… Ở các Trường chính trị tỉnh thì có chương trình dành cho các lớp trung cấp hành chính, trung cấp chính trị, các chương trình dành cho các lớp bồi dưỡng như chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho các chức vụ lãnh đạo ở chính quyền cơ sở…
Các giáo trình được biên soạn mang tính chất định hướng, làm cơ sở cho việc thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở các cấp, các trường chính trị. Trên cơ sở các giáo trình đã được biên soạn, các trường xác định được nội dung cơ bản, thời gian thực hiện của khóa đào tạo, bồi dưỡng, xác định được mục tiêu và yêu cầu của khóa học và của từng chuyên đề từ đó có sự sắp xếp, bố trí, lựa chọn đối tượng cho phù hợp với kế hoạch đào tạo. Đối với giảng viên, giáo trình được xem là một công cụ hết sức quan trọng để người giảng xác định rõ phạm vi thực hiện bài giảng của mình, các vấn đề cơ bản cần truyền tải tới các học viên, các trọng tâm, trọng điểm lưu ý… Đối với học viên thì giáo trình giúp cho người học xác định rõ các nội dung cụ thể cần được tiếp thu.
Do vậy yêu cầu đặt ra đối với các giáo trình là phải được biên soạn một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, đảm bảo phù hợp với các chương trình học, trình độ tiếp thu của học viên ở mỗi loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực sự là một công cụ đắc lực cho công tác giảng dạy và học tập.
Trong thời gian qua, nhìn chung các giáo trình do các Học viện biên soạn đã phần nào đáp ứng được các yêu cầu chung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống các Trường chính trị, góp phần làm cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn có những giáo trình còn nhiều hạn chế như đã lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, (như giáo trình môn nhà nước và pháp luật tập 1, 2 dành cho chương trình đào tạo các lớp trung cấp chính trị) các nội dung trong giáo trình chưa cập nhật kịp thời với những thay đổi thực tế đã gây khó khăn cho việc nghiên cứu, học tập hoặc có những giáo trình dựa vào các nội dung đang trong giai đoạn dự thảo nhưng vẫn được đưa vào giảng dạy (giáo trình lớp trung cấp hành chính) từ đó dẫn đến việc thiếu tin tưởng vào giáo trình và các học viên trong quá trình học tập đã không chú tâm đến việc nghiên cứu giáo trình mà chỉ tiếp thu bài giảng qua các giảng viên trao đổi tại lớp, và thực tế thì các giờ lên lớp không nhiều, các giảng viên không thể làm thay được việc là soạn lại toàn bộ các nội dung theo chương trình đã đề ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập và giảng dạy.
Từ những vấn đề nêu trên, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và học tập, tôi xin được đưa ra một số kiến nghị như sau:
- Cần quan tâm hơn nữa đối với công tác biên soạn, sửa đổi, bổ sung các giáo trình cho kịp thời, phù hợp với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn, phù hợp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. Để thực hiện được điều này cần tập hợp những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm.
- Khi đưa các giáo trình vào trong giảng dạy và học tập cần lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía các giảng viên và học viên để kịp thời điều chỉnh, khắc phục các khiếm khuyết trong giáo trình.
- Đối với giáo viên cần bám sát các nội dung trong giáo trình để làm rõ các vấn đề được nêu trong giáo trình, giúp cho học viên hiểu rõ các nội dung cần truyền đạt và dễ theo dõi. Đồng thời có sự định hướng cho học viên chú trọng vào việc kết hợp giữa nghe giảng tại lớp với nghiên cứu giáo trình.
Trên đây là một số ý kiến về giáo trình và tác dụng của nó đối với công tác giảng dạy và học tập, rất mong được sự quan tâm và tham gia ý kiến của các bạn đọc./.