Chính sách cán bộ là hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ cán bộ công chức (CBCC); là công cụ và các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ cách mạng. Chính sách cán bộ bao gồm: chính sách đào tạo – bồi dưỡng, chính sách sử dụng và quản lý cán bộ, chính sách đảm bảo lợi ích và động viên tinh thần cán bộ. Chính sách cán bộ là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Chính sách là do con người tạo ra, nhưng đồng thời chính sách lại tác động mạnh mẽ đến hoạt động của con người. Chính sách có thể mở đường, là động lực thúc đẩy tính tích cực, khả năng sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi con người, nhưng cũng có thể kiềm hãm những hoạt động, làm thui chột tài năng, sáng tạo của họ. Vì vậy, có thể khẳng định rằng chất lượng cán bộ luôn gắn liền với hệ thống chính sách cán bộ. Chính sách cán bộ còn góp phần ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội, bảo đảm cho mọi người sống trong bình đẳng, phát triển hài hòa.
Kinh tế thị trường là một nền kinh tế “mở” và “động”, đặc trưng của cơ chế thị trường là tính cạnh tranh, do vậy chính sách cán bộ phải là nơi tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho mọi cán bộ có thể phát huy hết năng lực sáng tạo của mình. Chính sách cán bộ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý cán bộ, đồng thời có tác dụng thúc đẩy và giúp cho chính sách kinh tế - xã hội đạt được mục tiêu.
CBCC là những người trực tiếp gánh vác trách nhiệm nặng nề. Hàng ngày họ phải giải quyết rất nhiều công việc ở cơ quan, đơn vị, phải luôn vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, công tác và những hạn chế của bản thân để tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những thành công và không thành công trong xây dựng đội ngũ CBCC cho thấy, cùng với việc giáo dục chính trị, tư tưởng còn phải thực hiện tốt chính sách cán bộ. Ở đây không chỉ là chính sách của Trung ương mà còn là cả sự vận dụng chính sách ấy vào các địa phương như thế nào cho hợp tình, hợp lý, gắn với trách nhiệm, hiệu quả công tác của CBCC và mức độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cơ sở. Trong đó, chính sách đãi ngộ vật chất và động viên tinh thần là yếu tố rất quan trọng tạo ra động lực làm việc của đội ngũ CBCC.
Đời sống và thu nhập của CBCC còn thấp, nếu giải quyết được hài hòa lợi ích vật chất và tinh thần cho họ thông qua các chính sách, chế độ, thì CBCC mới yên tâm tập trung cho công tác, giảm bớt sự ràng buộc, phụ thuộc vào kinh tế gia đình.. Chính sách đãi ngộ vật chất, động viên tinh thần một cách hợp lý và thỏa đáng là một nhân tố quan trọng góp phần làm trong sạch đội ngũ, giúp đội ngũ CBCC không tham nhũng, lãng phí tiền bạc và công sức của nhân dân. Đó cũng là nhân tố làm tăng cường ý thức trong dân, phục vụ dân, bởi họ hiểu chính sách, chế độ mà họ được hưởng là tiền của công sức của nhân dân đóng góp. Chính sách đãi ngộ về vật chất và động viên tinh thần còn là yếu tố quan trọng để đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài trong và ngoài Đảng tham gia các hoạt động ở cơ sở, để họ đóng góp vào công việc chung của đất nước.
Cùng với chính sác đãi ngộ hay chế độ đãi ngộ cán bộ là chính sách sử dụng và quản lý. Đó là việc bố trí và sử dụng cán bộ đúng tiêu chuẩn, phù hợp với sở trường của CBCC; là việc đề bạt, bãi nhiệm, đúng người, đúng việc, đúng lúc. Việc thực hiện chính sách cán bộ phải gắn với chế độ quản lý chặt chẽ đội ngũ CBCC. Cấp ủy phải nắm chắc từng CBCC cả về đức, tài. Trên cơ sở đó có kế hoạch sử dụng đề bạt, giúp đỡ, khen thưởng đúng mức những cán bộ có thành tích, đồng thời phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những CBCC vi phạm điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị. Có như vậy, chính sách cán bộ mới thực sự là động lực thúc đẩy tính tích cực của đội ngũ CBCC.
Chính sách cán bộ còn là yếu tố rất quan trọng trong thúc đẩy CBCC phấn đấu học tập vươn lên. Trong thời đại ngày nay, việc học tập, học tập suốt đời, người người học tập, gia đình học tập, xã hội học tập vì sự tồn tại, phát triển của cá nhân, gia đình, của cộng đồng là một tất yếu của xã hội tiến bộ. Đối với người CBCC, điều đó càng là đương nhiên và là điều bắt buộc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy, nhiều cán bộ có hạn chế về trình độ học vấn và năng lực chuyên môn nhưng lại ngại học tập, lười học, không chịu phấn đấu vươn lên… Điều đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính sách cán bộ chưa thỏa đáng, hợp lý.
Tóm lại, xây dựng và thực hiện tốt chính sách cán bộ chính là việc làm cho CBCC có đủ năng lực tổ chức thực hiện hoàn thành chức trách của mình, đủ năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với nhân dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp nhân dân./.