Trong 7 năm đầu của thế kỷ 21 (2001- 2007) nhân dân Vĩnh Long phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã trong bối cảnh quốc tế, trong nước và trong tỉnh có nhiều biến đổi. Ngoài nước với chiều hướng gia tăng khủng bố quốc tế, phát động cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng quốc tế và giá dầu thế giới đột biến tăng cao cùng với các nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng khác đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và huy động vốn đầu tư. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nhưng cũng đưa lại không ít thách thức đối với nền kinh tế còn sản xuất nhỏ là phổ biến như ở nước ta. Ở trong nước bên cạnh sự ổn định về chính trị là yếu tố hàng đầu cho sự phát triển, chúng ta phải thường xuyên chú trọng đến đảm bảo công bằng và trật tự xã hội. Ngoài ra nguy cơ dịch SARS, tiêu chảy cấp, và dịch cúm gia cầm xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế.
Trong tỉnh, những năm đầu thế kỷ 21 tốc độ tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đầu tư cho công nghiệp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh nên nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) tăng 6,33%, năm 2002 tăng 7,95%, năm 2003 tăng 8,24%, năm 2004 tăng 9,63%. Từ năm 2005 đến nay, nhờ cải thiện tốt môi trường đầu tư, đẩy mạnh huy động các nguồn lực, kinh tế ở tỉnh đạt được nhịp độ tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Năm 2005 GDP tăng 10,64%, năm 2006 tăng 10,49% và năm 2007 tăng 13,25%. Bình quân giai đoạn 2001 - 2007, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn tỉnh đạt 9,52%/năm, cao hơn 2,89% so với mức tăng bình quân của giai đoạn 1996-2000, trong đó GDP khu vực nông – lâm - thuỷ sản (khu vực I) tăng 5,65%, công nghiệp - xây dựng (khu vực II) tăng 16,68% và dịch vụ (khu vực III) tăng 11,52%. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành kinh tế được nâng lên hơn trước.
Nhiều năm tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, qui mô nền kinh tế của tỉnh ngày được mở rộng. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2007 đạt 11.316 tỷ đồng, gấp 1,89 lần 7 năm trước (đã loại trừ tăng do yếu tố giá). Tăng trưởng kinh tế ngày càng nhanh, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng và tăng trưởng dân số được kiểm soát ở mức phù hợp, nên GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 10,6 triệu đồng/người, qui ra USD đạt khoảng 660 USD/ người/ năm, tăng 220 USD so với năm 2000.
Chuyển dịch cơ cấu khu vực kinh tế:
Trong giai đoạn 2001-2007, kinh tế ở tỉnh không những tăng trưởng nhanh mà cơ cấu kinh tế còn chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ và giảm tương đối tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản trong GDP trong khi vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá cao ở cả 3 khu vực kinh tế. Năm 2007, tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP tương ứng là 50,62 - 16,61 - 32,77% [Nguồn: Tỉnh uỷ Vĩnh Long. Số 73-BC/TU. Báo cáo tổng kết năm 2007]. So với năm 2000, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm 8,58%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng 4,68% và tỷ trọng dịch vụ tăng 3,99%.
Nét nổi bật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua là có sự vươn lên và phát triển mạnh mẽ của khu vực công nghiệp. Nhờ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, tuyến công nghiệp, đầu tư đổi mới công nghệ, chủ động tháo gỡ những khó khăn ách tắc trong sản xuất kinh doanh đã mang lại cho ngành công nghiệp sức bật mới, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ chỗ chỉ đóng góp 16,4% vào mức tăng giá trị của ngành năm 2001, năm 2007 các khu, tuyến công nghiệp đã đóng góp gần 40% vào mức tăng giá trị của ngành công nghiệp, trở thành nhân tố tích cực trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Chuyển dịch cơ cấu lao động:
Qua nghiên cứu nguồn lực lao động theo khu vực kinh tế năm 2007 cho thấy:
- Lao động trong khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm tỷ lệ cao nhất (66,00%). Tuy nhiên, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ đạt 3,54%, là khu vực có nhiều thách thức, khó khăn cho tiến trình phát triển kinh tế của tỉnh.
- Lao động trong khu vực II (công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, xây dựng) chiếm 11,86%; số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt tới 61,6% .
Lao động trong khu vực III ( thương nghiệp, sửa chữa xe, đồ dùng…, khách sạn, nhà hàng, tài chánh, giáo dục, y tế, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể…), chiếm 22,14%; số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 34,4%.
Là một tỉnh có truyền thống nông nghiệp, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các khu vực khác có nhiều khó khăn. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động có chuyển dịch nhưng chậm. Cơ cấu lao động trong giai đoạn 2001 - 2007 là điển hình cho một cơ cấu lao động của một nền kinh tế mà nền tảng là nông nghiệp.
Cơ cấu lao động khu vực nông, lâm, thuỷ sản tuy giảm từ 71,61% năm 2000 xuống 68,60% năm 2005 và 66,00% vào năm 2007 [Cục thống kê tỉnh Vĩnh Long], nhưng số lao động tuyệt đối tăng thêm 2.902 người. Nhìn chung, đây là một mức giảm không quá chậm trong giai đoạn công nghiệp, xây dựng quy mô còn nhỏ và giải quyết việc làm cho lao động tăng thêm hàng năm bằng cách tạo thêm việc làm ở khu vực công nghiệp - xây dựng và ở khu vực dịch vụ không nhiều.
Trong từng khu vực, chuyển dịch cơ cấu lao động tương đối phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khu vực nông - lâm - thuỷ sản, thì lao động nông nghiệp giảm và cơ cấu lao động ngành thuỷ sản tăng lên, phù hợp tình hình phát triển của ngành thuỷ sản những năm gần đây và xu thế chung của Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực công nghiệp - xây dựng, lao động tăng ở ngành công nghiệp chế biến tuy chậm nhưng đáp ứng được tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng trong giai đoạn này. Khu vực dịch vụ chuyển dịch lao động nội ngành không có nhiều thay đổi, lao động thương nghiệp giảm, lao động trong ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn tăng là phù hợp với sự phát triển kinh tế trong giai đoạn này.
So sánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động giai đoạn 2000 - 2007 cho thấy: Bình quân hàng năm tỷ trọng giá trị khu vực I trong GDP giảm 1,22% (chuyển dịch sang khu vực II và III), trong khi đó bình quân hàng năm tỷ trọng lao động khu vực I chỉ giảm 0,8% (chuyển dịch sang khu vực II và III).
Nguyên nhân chính là do: hiện nay, đa số lực lượng lao động trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh không có tay nghề, hoặc có trình độ tay nghề rất thấp kém, do đó muốn thích nghi môi trường làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ cần phải có quá trình học tập, đào tạo nhất định. Do vậy càng về sau thì cơ cấu lao động càng chuyển dịch chậm hơn cơ cấu kinh tế./.