HĐND, UBND cấp xã là một bộ phận cấu thành nên hệ thống tổ chức chính quyền địa phương, có những mối quan hệ cả theo chiều ngang và chiều dọc. Tùy theo từng quan hệ, HĐND, UBND cấp xã có thể là chủ thể, khách thể quản lý nhà nước. Việc xác định đúng vị trí pháp lý của chính quyền cấp xã trong các mối quan hệ là hết sức cần thiết, để đảm bảo tính thống nhất, dân chủ trong tổ chức, điều hành, tránh sự chồng chéo, thiếu trách nhiệm hoặc lộng hành cục bộ trong quản lý.
* Quan hệ giữa UBND với HĐND cấp xã:
Đây là mối quan hệ phức tạp, bao gồm quan hệ trực tuyến, quan hệ theo chức năng và cả mối quan hệ hai chiều phụ thuộc. Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp xã không phải là hai hệ thống mà là một cơ cấu thống nhất gồm hai bộ phận tạo nên chính quyền địa phương. Hai bộ phận này có chức năng khác nhau (chức năng ra nghị quyết, giám sát và chức năng điều hành). Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thể hiện bằng chất lượng các nghị quyết, không trái Hiến pháp, pháp luật và chỉ thị của cấp trên. Nghị quyết có tính khả thi và được Uỷ ban nhân dân thực hiện tốt thì hoạt động của chính quyền địa phương mới đạt hiệu quả cao.
Theo qui định của luật tổ chức HĐND và UBND (năm 2003) thì UBND do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Nên mối quan hệ giữa UBND với HĐND là mối quan hệ phụ thuộc của cơ quan hành chính Nhà nước vào cơ quan quyền lực Nhà nước cùng cấp. UBND phải chịu sự kiểm tra, giám sát của HĐND cùng cấp. HĐND ra các nghị quyết có tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với UBND.
Là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND cấp xã bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND cấp xã; giám sát hoạt động và bãi bỏ những quyết định trái pháp luật của UBND cấp xã, yêu cầu UBND cấp xã báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND và thi hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện nghị quyết của HĐND.
Tuy vậy, với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương UBND cấp xã lại có tính “độc lập tương đối” với HĐND cấp xã, HĐND cấp xã không có quyền ra lệnh về mặt hành chính đối với UBND cấp xã, do không phải là cơ quan cấp trên của UBND nên ở khía cạnh này quan hệ giữa HĐND và UBND là mối quan hệ theo chức năng do Nhà nước phân công giữa cơ quan quyền lực và cơ quan hành chính ở cơ sở. UBND cấp xã có những thẩm quyền chức năng do HĐND xã trao cho nhưng UBND cấp xã có địa vị pháp lý riêng, có quyền hạn, chức năng trong quản lý hành chính Nhà nước chỉ thuộc riêng cơ quan hành chính. Mặt khác HĐND và UBND lại là một thể thống nhất không phân chia tạo thành chính quyền cấp xã, cùng phối hợp, giải quyết những vấn đề nảy sinh khi thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, phối hợp trong việc quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo đề nghị của Uỷ ban mặt trận tổ quốc cấp xã.
Trong các cuộc họp hàng tháng của UBND, Chủ tịch HĐND cấp xã được mời tham dự để cùng bàn việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, ngân sách và các nhiệm vụ khác liên quan đến HĐND; UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và các đại biểu HĐND cấp xã những văn bản, tài liệu của UBND ban hành liên quan đến hoạt động của HĐND cấp xã.
Như vậy giữa HĐND và UBND có mối quan hệ khăng khít, hữu cơ nhưng không đồng nhất, hòa lẫn mà mỗi loại cơ quan có những chức năng nhiệm vụ riêng do Nhà nước phân công. HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thảo luận và quyết định những chủ trương, biện pháp lớn về kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, trị an ở cơ sở. UBND cấp xã là cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật của Nhà nước, mệnh lệnh của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cấp xã.
Quan hệ giữa UBND cấp xã với HĐND cấp xã là mối quan hệ đặc biệt, thể hiện sự thống nhất chính trị trong tổ chức bộ máy Nhà nước ở địa phương. Mối quan hệ này một mặt thể hiện yếu tố tập trung quyền của cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc thành lập, thay đổi, bãi nhiệm cơ quan hành chính Nhà nước và các thành viên của nó, trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Mặt khác thể hiện yếu tố dân chủ trong việc cơ quan quyền lực Nhà nước trao quyền chủ động, sáng tạo cho cơ quan hành chính Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng điều hành, quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Song trong thực tế mối quan hệ này còn có những hạn chế nhất định: Do tổ chức bộ máy của HĐND cấp xã chưa hoàn thiện, do những đại biểu HĐND được cơ cấu là thành viên UBND, là những người làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể chiếm số lượng lớn… nên vai trò của HĐND đối với UBND còn mờ nhạt, chưa thể hiện đầy đủ chức năng quyết định và chức năng giám sát. Tâm lý và lề lối làm việc của UBND thường đặt HĐND vào những việc đã rồi.
* Quan hệ với cấp ủy cơ sở:
Trong những năm qua HĐND, UBND cấp xã đã chấp hành và bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với tổ chức của mình trong các chủ trương phương hướng công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ.
Trên cơ sở nghị quyết của cấp ủy cơ sở HĐND, UBND đã chuyển tải thành nghị quyết của HĐND và các quyết định, chỉ thị của UBND cấp xã. Hàng tuần, hàng tháng các đồng chí trong cấp ủy đều có hội ý trao đổi công tác với chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND, một mặt kịp thời nắm bắt diễn biến của địa phương, thực hiện chức năng kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng để từ đó tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát với thực tế.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa HĐND, UBND cấp xã với cấp ủy cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế:
- HĐND, UBND xã có biểu hiện tâm lý ỷ lại, thụ động trong giải quyết công việc, nhất nhất phải có ý kiến của cấp ủy cơ sở mới giám giải quyết. Những xã này thường thường vai trò của Bí thư lấn át vai trò của UBND và HĐND, các cuộc họp giao ban hàng tuần của UBND đáng lẽ ra do Chủ tịch điều hành, song trên thực tế lại do Bí thư chủ trì điều hành.
- Mặt khác cũng có xã Bí thư kiêm chủ tịch UBND đã xảy ra hiện tượng Bí thư xem nhẹ vai trò của HĐND đáng lẽ trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ họp HĐND cấp xã với tư cách là chủ tịch UBND, Bí thư cấp ủy cơ sở thì một mặt phải thể hiện vai trò lãnh đạo của người Bí thư nhưng mặt khác phải thể hiện là người đứng đầu của cơ quan chấp hành, hành chính địa phương là phải báo cáo trình bày kết quả hoạt động cho HĐND nghe, song đồng chí này không tự giác thực hiện.
* Quan hệ giữa UBND với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cấp xã:
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, trong các cuộc họp UBND luôn có đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh tham dự, chính nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức trên mà UBND thực hiện tốt những nhiệm vụ tuyển quân, xây dựng ấp văn hóa, phổ cập giáo dục, xoá đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn cho những gia đình neo đơn; động viên các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vào những ngành nghề lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập cao…
Thông qua Mặt trận Tổ quốc, UBND cấp xã thu nhận được những kiến nghị, khiếu nại, thắc mắc của nhân dân trong quá trình điều hành quản lý của mình, trên cơ sở đó UBND có sự giải đáp, tuyên truyền, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho hoạt động của mình.
Các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xã là chỗ dựa đáng tin cậy của UBND trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hiện nay. Tuy nhiên ở một số xã vùng sâu sự phối hợp giữa UBND và đoàn thể quần chúng chưa được chặt chẽ. Ở đó một số tổ chức ít hoạt động như Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ nên hiệu quả và hiệu lực quản lý của UBND còn những hạn chế những nơi này hoạt động của các tổ chức quần chúng mang tính thời vụ không duy trì được thường xuyên liên tục.
* Quan hệ với UBND cấp trên:
Uỷ ban nhân dân cấp xã có mối quan hệ trực tiếp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Đây là mối quan hệ trực tiếp trên dưới, quan hệ phục tùng và mệnh lệnh. Là cấp dưới, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải chấp hành các chỉ thị, quyết định và các văn bản khác của Uỷ ban nhân dân cấp trên và của Chính phủ trong quá trình điều hành hoạt động của mình, truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân trong xã, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xin ý kiến Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong những vấn đề quan trọng đột xuất.
Là cấp trên, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phê chuẩn nhân sự của Uỷ ban nhân dân cấp xã, thực hiện sự chỉ đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Mối quan hệ về công tác chuyên môn nghiệp vụ là mối quan hệ dựa trên nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước. Các bộ phận chuyên môn của UBND cấp xã chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các phòng ban chuyên môn của UBND cấp huyện.
Trong những năm qua nhờ phát huy mối quan hệ này tốt mà UBND cấp xã đã tranh thủ sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh và Trung ương.
Tuy nhiên trong mối quan hệ này vẫn còn xuất hiện những vướng mắc: tình trạng hội họp quá nhiều, có lúc trong một buổi Chủ tịch UBND cấp xã có thư mời họp hai ba cuộc của hai ba cơ quan chuyên môn triệu tập.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở cần phải thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở./.