Dạy và học là hai mặt của quá trình đào tạo. Đổi mới quá trình dạy học phải gắn liền với việc đánh giá kiến thức mà học viên tiếp nhận.
Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện nhiều chương trình đào tạo khác nhau (trung cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị - nghiệp vụ thanh vận, trung cấp lý luận chính trị - nghiệp vụ phụ vận, trung cấp hành chính, trung cấp hành chính - văn phòng, trung cấp văn thư lưu trữ,…), Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh long đã có những bước điều chỉnh cách đánh giá kết quả học tập sát hợp với qui chế do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành cho các lớp trung học chuyên nghiệp bao gồm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, thi hết môn học.
Việc điều chỉnh cách đánh giá kết quả học tập cuối khoá của học viên đã tạo ra một không khí giảng dạy và học tập sôi động hơn song không khỏi những băn khoăn, thắc mắc.
Trước hết là đội ngũ giảng viên: chú ý hơn đến lớp, thực hiện kiểm tra bài đầu ngày học hoặc ngay trong thời gian đứng lớp, thường xuyên nhắc nhở anh chị em học viên cố gắng ôn bài đảm bảo kết quả tốt, đòi hỏi ý thức tự giác cao hơn của mỗi học viên trong kiểm tra định kỳ. Đưa ra các dạng kiểm tra định kỳ dưới nhiều hình thức như trắc nghiệm, tự luận, vận dụng kiến thức để giải quyết những tình huống thực tế… phù hợp với tình hình từng lớp.
Tự bản thân mỗi giảng viên cũng có ý thức cố gắng hơn, ngoài kiến thức truyền đạt phải đảm bảo tính khoa học, chính xác cao còn phải xâm nhập thực tế, tìm tòi các định hướng giải quyết vận dụng vào bài giảng đồng thời sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, các phương tiện hiện có làm cho tiết giảng sinh động hơn, dễ nhớ hơn, gần gũi hơn với cuộc sống, với công việc hàng ngày của mỗi học viên.
Do yêu cầu kiểm tra thường xuyên nên đòi hỏi học viên phải xem lại bài thường xuyên không chờ đợi cuối môn thầy cô hệ thống mới học bài.
Các dạng câu hỏi, bài tập của bài kiểm tra định kỳ cũng đa dạng hơn, đòi hỏi phải nhớ, phải hiểu và vận dụng mới làm được bài do đó cũng kích thích tính tự lực, tự học của học viên cao hơn, biết cách tự ghi chép, so sánh, đọc giáo trình gắn kết với bài giảng của giảng viên.
Nội dung thi hết môn học, phần học không được hệ thống như trước đây mặc dù có giới hạn về nội dung cho nên cũng đòi hỏi học viên phải tự lực hệ thống để ôn tập, phải chú ý xuyên suốt quá trình tiếp cận kiến thức, không học tủ, học lệch. Việc thực hiện nghiêm túc quy chế thi đã góp phần hạn chế “bùa”, “phao thi” và trong thực tế “phao thi” đã dần được chấm dứt.
Với những thay đổi về cách đánh giá kết quả học tập làm cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý học tập có vất vả hơn như việc vào điểm, tính toán kết quả nhiều lần hơn… Mặc dù có sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin song đòi hỏi các chuyên viên phải cẩn thận, chính xác ở từng cột điểm của từng người trong từng lớp.
Đánh giá kết quả học tập theo tinh thần mới đòi hỏi sự nghiêm túc, bình đẳng trong kiểm tra, thi cử ngày càng được nâng cao hơn; thực thi ngày một tốt hơn cuộc vận động “hai không” mà ngành giáo dục phát động. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là “công bộc của dân”, trung thực, giản dị, biết sáng tạo, tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình./.