Khánh là tên thật của nó, nhưng nhóm bạn học thời phổ thông vẫn thường gọi bí danh nó là “Lý Sự”. Sở thích nói nhiều, hay lý luận chuyện trên trời dưới đất, chuyện từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Biệt tài viết rất nhanh và làm thơ khá hay. Nhớ ngày xưa học cấp ba, mỗi lần làm kiểm tra văn hai tiết, nó ngủ một tiết và chỉ làm bài một tiết còn lại. Điểm văn của nó không cao, nhưng bạn bè thì rất ngưỡng mộ. Có lần cô giáo phê một câu “văn quá bay bướm!” và đọc cho cả lớp nghe. Không biết nó hãnh diện hay ngượng mà cứ cúi đầu xuống bàn. Bọn con gái nhìn nó, bụm miệng cười mỉm.
Chúng tôi chơi với nhau rất thân, đến bây giờ cũng vậy. Gặp nhau là “lý sự”, mỗi lần gặp là trăm ngàn chuyện để nói: chuyện vui, buồn; chuyện làm ăn; chuyện công tác, chuyện học hành… Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao chúng tôi lại “hợp nhãn” như vậy? Nó thì nói nhiều, tôi thì trầm ít nói. Chắc có lẽ đây là luật bù trừ.
Hôm nay, nó mời tôi “đánh chén” nhân ngày nó bảo vệ xong thạc sĩ. Thực khách không ai ngoài nó và tôi. Nó đứng dậy tuyên bố:
- Hôm nay ông “thạc” đãi ông “cử” không sai không về.
Tôi khách sáo chúc nó vài ba câu cho có lệ. Nó thì ậm ừ, ậm à qua loa.
Tôi ghen tị:
- Ông sướng quá, được đào tạo ngon lành. Bọn tôi xin đi học hoài mà chưa tới “vé”.
- Sướng thì ó sướng thiệt, nhưng cũng khổ lắm ông ơi!
- Khổ gì?
- Ông biết không, ai làm việc mà chẳng muốn mình làm tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao và muốn mình được phát triển. Để mong muốn trở thành hiện thực thì không có con đường nào khác là phải học: học là để nâng cao trình độ, học để khỏi bị thất nghiệp, khỏi bị xã hội đào thải, để không bị tụt hậu và lạc hậu. Nhưng để được đi học thì ngoài “tấm vé” và “năng lực học” thì ông phải có khả năng về “tài chính” nữa. Nếu không “chết chắc”.
- Đi học lương lãnh đủ, phụ cấp tiền ăn, ở, chi phí học hành có chế độ, còn đòi hỏi gì nửa? Tôi hoài nghi.
Bổng dưng nó cao giọng:
Khổ lắm ai ơi chuyện học hành!
Tấm bằng cầm đó nợ bao quanh
Vợ thì nhăn nhó, chồng kêu khổ
Mọi thứ đều do
chuyện học hành
Tôi lên giọng dạy đời:
- Tiền bạc có nhiều xài nhiều, ít xài ít phải biết “thắt lưng buộc bụng” mà chi tiêu. Ông được cái này thì phải chịu mất cái kia chứ! Cầu toàn quá sao được.
Nó nhìn tôi. Tôi đọc được trong mắt nó lời trách móc “ông chẳng hiểu gì cả”.
- Xin lỗi, xin lỗi lương mà ba đồng như ông đi học rồi sẽ biết! Không móc túi vợ mới lạ.
Nó phá lên cười, tiếng cười của nó nghe vừa nhạt, vừa chua. Nó xòe hai bàn tay lên và giải thích:
- Mười ngàn đồng một ngày, thử hỏi đất thành phố ông ăn được tô hủ tíu không? Xin thưa, chỉ đủ ăn xôi thôi.
Nó vỗ vào vai tôi đồm độp: tỉnh dậy đi, tỉnh dậy đi!
Tôi giật mình, thì ra mình quá lạc hậu, bởi trước đây 1999 - 2000 mình cũng đi học, lúc ấy 10.000 đồng còn ăn được 2 phần cơm bình dân; 10.000 đồng mua được 2 – 3 lít xăng. Còn bây giờ, thời bão giá… Đúng là khó thật.
Cầm ly bia khẻ “tách” vào ly tôi, nó uống cạn, “khà” một cái rồi trịnh trọng tiếp:
- Ông biết không, Tôi học xong mừng thì mừng thật, nhưng vẫn còn lo.
Tôi thắt mắc: Lo gì?
- Lo nợ.
Nó trả lời cọc lóc, rồi tiếp:
- Khổ nổi khi hoàn thành đề tài tốt nghiệp tôi chỉ được hỗ trợ 50%
Sao vậy?
- Không thuộc diện qui hoạch.
- Thầy giáo mà qui hoạch cái gì?
- Chẳng biết.
Giọng khe khẻ nó hỏi tôi:
- Tôi hỏi thật ông, để nâng cao chất lượng giảng dạy, theo ông cái gì là quan trọng nhất?
Tôi thấy lạ, tưởng là nó say chuyện nọ xọ chuyện kia nên còn ậm ừ:
- Ừm… là chất lượng đội ngũ giáo viên chứ gì.
- Để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên?
- Đào tạo và đào tạo lại.
Qua những câu trả lời của tôi, nó có vẻ thoả mãn gần gật đầu, để lộ vầng trán cao, tóc không buồn mọc quá sớm so với tuổi đời của nó.
- Như vậy theo ông, tôi có thuộc diện qui hoạch không?
Câu hỏi của nó khó đối với tôi, nhưng tôi cũng trả lời theo cảm nhận của mình:
- Chế độ chính sách thì tôi không rõ lắm. Theo tôi, ông không thuộc diện qui hoạch đào tạo cán bộ chủ chốt, nhưng ông có thể được giải quyết hưởng chế độ đi học như các đối tượng thuộc diện đào tạo theo qui hoạch.
- Tại sao?
- Đơn giản, bởi ông là giáo viên. Giáo viên là nghề mang tính đặc thù riêng, phải có cơ chế khuyến khích đối với giáo viên chứ.
- Cảm ơn.
Vẫn cái gật gật đầu nhẹ nhàng, dễ chịu. Tôi chưa bao giờ thấy nó nhẹ nhàng và dễ chịu như vậy.
Nó im lặng, như suy nghĩ điều gì đó. Bất chợt nhìn tôi, nó hỏi:
- Tôi hỏi thật. Trong đời, ông có nhớ bao nhiêu lần nói dối, làm dối?
- Chuyện gì nữa đây?
- Trả lời thật đi.
- Sao nhớ nổi. À thì… đại loại như là dối vợ đi nhậu với bạn bè mà diện cớ đi tiếp khách… nói dối để hòa bình, không chiến tranh… thế thôi!
- Còn tôi, xin lỗi ông nhe. Tôi thì cũng như ông, nhưng có đẳng cấp hơn. Khổ nỗi hoàn cảnh buộc mình làm vậy thôi. Thực sự dối lần đầu cảm thấy ngượng, lâu dần thành quen và xem như là chuyện “mặc nhiên”.
- Gì mà ghê vậy?
- Rồi đây ông sẽ biết thế nào là “lời nói dối dễ thương”!
Nó diễn giải một mạch: nào là cơ chế, thủ tục thanh toán tài chính. Đi học mà có chỗ nghỉ tại đơn vị đào tạo thì được thanh toán tiền nghỉ theo thực tế tại cơ sở đó. Nếu đơn vị đào tạo không có chỗ nghỉ thì mình phải tự thân vận động “tìm và ở”. Với phương châm “tìm chữ” phải “thắt lưng buộc bụng” thuê nhà trọ. Đến khi thanh toán nếu không có hóa đơn thì “cắt”. Nhà trọ thì làm gì có hóa đơn. Để hợp thức hóa phải “nhong nhong, dáo dát” tìm hóa đơn. Phải biết nhẫn nại và bền bĩ “tầm”, không “tầm” được đành về thanh toán với kế toán kiêm thủ quỹ ở nhà.
Nói cho vui vậy thôi, chứ có ai thanh toán kiểu ấy bao giờ, làm gì cũng “chạy” cho ra hoá đơn để về thanh toán với cơ quan. Thử hỏi ông không dối là gì?
Tôi nhìn nó như vật thể lạ, vừa sờ sợ, vừa tội nghiệp.
- Có cường điệu quá không ông?
Nó nhìn tôi với cái nhìn trịch thượng và phán một câu: Học đi rồi sẽ biết.
Thật sự tôi cứ lờ mờ trong câu chuyện của nó, nửa tin, nửa ngờ.
Nó bất chợt : À quên, tôi quên nói với ông chuyện này!
Chuyện gì?
- Tâm sự của người đi học. Nó vừa nói, vừa cười rồi ê a ngâm dăm ba câu thơ “con cốc”:
Thi đua, ôi hỡi thi đua!
Sao ông không xét cho vừa lòng tôi
Bao năm cặp sách ngược xuôi
Thi đua “vắng bóng” buồn… ôi… là… buồn!
- À thì ra là đi học không được xét thi đua. Ai cũng vậy chớ đâu phải cá nhân ông đâu mà ông buồn.
- Biết rằng là vậy, nhưng sao cứ mỗi lần tổng kết cuối năm là tôi lại buồn, cái buồn khó tả lắm, nó vừa tủi tủi, vừa ức ức làm sao. Tủi là vì bao năm phấn đấu với danh hiệu chiến sĩ thi cơ sở, rồi cấp tỉnh, tự nhiên bị tước bỏ vô cớ; ức là vì đi học nâng cao trình độ để làm việc mà không được xem đó là một nhiệm vụ. Buồn thật!
Tôi nhìn nó cảm thông và nghĩ rằng có rất nhiều anh, em đi học cũng mang tâm sự như nó. Tâm sự riêng đó vội đến rồi lại vội đi như một lẽ thường tình, bởi vì mọi người đều tự an ủi mình bên cạnh “cái mất” mình còn “cái được” đó là được kiến thức, được làm việc, được cống hiến cho xã hội.
Tôi nói với nó về cảm nghĩ của mình: thực tế là vậy, nhưng tương lai rồi sẽ khác!
Chúng tôi cùng đứng dậy, chạm ly nhau và uống cạn ly bia cuối trên bàn. Nó chép miệng và cười mãn nguyện, có lẽ cái lạnh của đá và cái nồng của bia đã xua đi tâm sự buồn vương trên cổ nó./.