Lần theo sử sách ở miền Nam ta trường Đảng xuất hiện từ năm 1949, từng khu, từng tỉnh . . . lập ra trường Đảng tùy theo điều kiện cụ thể. Chặng đường dài hơn năm mươi năm qua, trường Đảng có nhiều tên gọi khác nhau nhưng điều có mục đích chung là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng cho các ngành, các cấp, các phong trào để thực hiện nhiệm vụ chính trị từng lúc của Đảng đặt ra.
Nếu không chứng kiến thì khó mà hình dung nỗi cái cảnh mở lớp thời chiến: ở cấp từ tỉnh đến trung ương cục (R) mở một lớp chừng 2 – 3 tháng số lượng có thể từ 3 – 40cán bộ, cao lắm tròm trèm 100 cán bộ; chỉ qui mô chừng ấy mà mở được khóa học cực kỳ khó khăn.
Khó khăn lớn nhất là căn cứ, địa điểm sao cho an toàn thật không đơn giản chút nào. Thông thường, trong kháng chiến các khóa học lấy căn cứ trong lòng dân, chỉ lo có hội trường, còn học viên thì ở trong dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân và họ chở che đùm bọc mình, căn cứ kiểu này độ an toàn khá cao, cũng có lúc trường mở trong căn cứ bí mật (nội bất xuất, ngoại bất nhập), đòi hỏi các yêu cầu bí mật rất cao: bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, chỉ nói khâu hậu cần, phục vụ cũng ớn da gà; nào là lều trại, hội trường, bàn ghế; lớp chừng 100 học viên cùng cán bộ công nhân viên toàn trường cũng 150 người thì cũng phải có chừng 20 nhà ở, rồi hội trường, một số nhà công cộng khác nữa, mà trường bí mật thì nhà cũng bí mật với máy bay là việc rất khó, rất gian khổ; trường ở vùng nước mặn thì lo nước sinh hoạt, tắm giặt thì hết hình dung nổi! Rồi lo lương thực, thực phẩm bằng nhiều đường, nhiều phương cách; có trường vận chuyển lương thực phải đi bộ gùi trên lưng 5 – 70 kg trên đoạn đường 15 – 20 km. Đó chỉ nói lương thực còn biết bao nhu cầu khác phải vận chuyển, hầm hào công sự bảo vệ trường với các công trình đồ sộ, nơi đồng bằng thì đào hầm nổi, hầm chìm, nơi vùng cao thì có giao thông hào, rồi phải có một số hầm bí mật lúc cần thiết dùng cho cán bộ lãnh đạo, các đồng chí ốm đau, khi mở lớp là trường có ngay phương án đánh địch, ngoài lực lượng bảo vệ có khi còn phải sử dụng cán bộ khung trường có lúc cả học viên và thầy giáo đều đánh giặc, cũng có biết bao tấm gương của nhiều trường hợp chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm.
Về tài liệu, sách vở phục vụ các khóa học cũng không đơn giản: giấy mực khan hiếm (không phải có tiền là mua được đâu); in ấn thủ công, có lúc có tài liệu cơ bản mà không có tài liệu gốc (do khâu bảo quản khó khăn, do địch phá hoại . . .). Mỗi lớp học đâu phải chỉ đau đầu cơm áo gạo tiền, ngay khâu tài liệu đã muốn hụt hơi !.
Đội ngũ giáo viên lúc đó ngoài các đồng chí chuyên trách còn lại đa số là cán bộ chủ chốt của từng cấp, như ở Trung ương cục có lúc đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh . . . giảng, còn ở khu, tỉnh thì các đồng chí bí thư, các đồng chí trong ban thường vụ phân công giảng từng bài theo yêu cầu của trường. Chuẩn bị giáo án giảng bài rất nghiêm túc, phải thông qua giáo án cho cấp trên, ai chưa từng lên bục giảng là phải qua khâu giảng thử, sau khi học từng bài học viên có soi rọi đối chiếu đúng bản thân coi tư tưởng mình có gì lệch lạc và sau từng khóa học có thu hoạch soi rọi đối chiếu tổng hợp; có lớp còn tổ chức kiểm thảo nghiêm túc với mục đích chôn vùi bao sai sót tại trường để từng đồng chí mang về địa phương đơn vị với tâm hồn mới, ý chí mới, sức bật mới cho phong trào nơi đó.
Trường thời chiến khó khăn gian khổ, thiếu thốn trăm bề khó diễn tả hết; còn biết bao mối đe dọa của kẻ thù, nếu không đảm bảo bí mật tuyệt đối thì trường là mục tiêu của phi pháo, của biệt kích, của đổ bộ đường không, của càn quét .v.v.. biết bao nỗi hiểm họa luôn đè nặng đối với các khóa học nhưng vì khắc sâu lời dạy của Bác Hồ:
“Học để làm việc
làm người
làm cán bộ
Học để phụng sự đoàn thể
Phụng sự giai cấp và nhân dân
Phụng sự tổ quốc và nhân loại”
Năm 1949 đồng chí Trường Chinh chỉ ra: “đối với việc học tập của mỗi đảng viên, thành công thứ nhất là biết áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lúc, mỗi nơi; thành công thứ hai là đạo đức thêm cao, Đảng tính thêm mạnh”, mà các cán bộ lãnh đạo, các bộ phận phục vụ của trường Đảng không ngại gian khổ hy sinh, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm gian khó ấy của Đảng giao phó, đã đào tạo biết bao cán bộ cho kháng chiến và một số tiếp tục xây dựng đất nước suốt mấy chục năm qua.
Chỉ chừng ấy chi tiết nêu trên giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau làm công tác trường Đảng khẳng định:
- Các thế hệ trong thế hệ trường Đảng của chúng ta hầu như phải đương đầu với bao khó khăn thử thách để góp sức mình xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
- Để khẳng định sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của hệ thống trường Đảng được như hôm nay khó mà tưởng tượng được!
Hiện nay cơ sở vật chất từ trung tâm chính trị, trường chính trị, học viện chính trị…hầu như đàng hoàng to đẹp hơn bao giờ hết, từng bước đi vào hiện đại.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên đều được đào tạo căn cơ bài bản, trường huyện đã có cử nhân, cao cấp chính trị, một số trường tỉnh đã có thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên là tiến sĩ, giáo sư đã có từ lâu. Đội ngũ ấy đã kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý, giảng dạy đã có một bước trưởng thành, già dặn trong bản lĩnh, đã góp công lớn vào thành tích chung trong công cuộc đổi mới đất nước.
Vấn đề đặt ra hôm nay trong hệ thống trường Đảng bức xúc từ hai phía:
- Về phía nội bộ trường nhìn chung là có thực lực nhưng đòi hỏi phải không ngừng nâng cao kiến thức năng lực, phải có chủ trương biện pháp tốt nhất để đội ngũ cán bộ giáo viên làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, ngang tầm với nhiệm vụ đổi mới.
- Về phía các ngành, các địa phương cần có chủ trương quy hoạch thật tốt đội ngũ cán bộ kế thừa để đưa đi đào tạo bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho địa phương, ngành mình. Phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các trường để đưa cán bộ đi học theo “đơn đặt hàng”, kiên quyết tránh cái kiểu đưa cán bộ đi học để đối phó - bị học.
Bây giờ trường Đảng có biết bao thuận lợi, ắt chúng ta sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của hệ thống trường Đảng, trường chính trị của chúng ta.