Tất cả các loại hình đào tạo ở các trường học đều có các phương pháp dạy - học và hướng dẫn thảo luận rất đa dạng phong phú mà người giáo viên đã được tiếp thu từ các trường đào tạo sư phạm. Song, khi đứng trên bục giảng, mỗi giáo viên thường lựa chọn một phương pháp riêng cho phù hợp với phong cách của mình, phù hợp với đặc trưng môn học, hay phù hợp với những bài học cụ thể. Theo tôi cảm nhận thì phương pháp tác động đến học viên theo đúng hướng "thầy chủ đạo - trò chủ động" là phương pháp tác động tích cực nhất. Bởi vì, phương pháp này khắc phục được lối học tập máy móc, thụ động của học viên, làm cho học viên phải luôn tập trung, chủ động trong việc nắm bắt kiến thức ở lớp.
Trong điều kiện ở các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long nói riêng, hiện nay, việc thực hiện phương pháp tác động trên còn gặp những khó khăn nhất định do phòng ốc và trang thiết bị phục vụ cho dạy và học chưa phù hợp và chưa đầy đủ. Quy mô lớp học thường từ 60 - 100 học viên nên khó triển khai hoạt động thảo luận theo nhóm. Về phía học viên, khi áp dụng phương pháp này đòi hỏi học viên phải động não, phải có có thói quen kết hợp nhiều thao tác như: nghe, ghi chép, suy nghĩ, phát biểu ý kiến, phân tích ý kiến người khác, tranh luận với nhau .... nên học viên - do quen nếp thụ động - khó theo kịp yêu cầu của phương pháp. Một điều nữa là học viên có trình độ học vấn không đồng đều ở nhiều nguồn: phổ thông, bổ túc, lớn tuổi, trẻ tuổi.... nên khi tham gia phương pháp này cũng gặp những khó khăn nhất định.
Từ thực tế đó, việc chọn phương pháp giảng dạy tích cực không thể thực hiện được ngay mà phải chuyển đổi từng bước theo từng môn học, bài học cụ thể với sự quyết tâm cao của giáo viên và học viên.
Để giáo viên thực sự là người chủ đạo trong việc truyền đạt, hướng dẫn kiến thức thì phải có bước chuẩn bị chu đáo như: nghiên cứu giáo trình, đọc các tài liệu có liên quan, chuẩn bị kỹ các phương án thực hiện trên lớp.
Giáo viên cần hướng dẫn cho học viên xem lại kiến thức bài củ, xem xét, phân tích bài mới trước khi đến lớp.
Giáo viên cần có những quy ước với học viên về các thao tác cụ thể trong tiết thảo luận, trong phát biểu xây dựng bài mới. Các thao tác cụ thể cần được thực hiện từ dể đến khó, từ các ý kiến nhỏ của học viên, đến ý kiến tổng hợp của người đại diện nhóm .... Điều quan trọng ở đây là giáo viên không được nóng vội làm thay cho học viên mà phải kiên trì gợi mở để học viên từ tìm tòi, khám phá, trình bày ý tưởng của mình.
Đối với học viên, cần phải tạo cho mình ý thức học tập tự giác, phải tập thói quen ghi chép lời giảng của giáo viên, ý nghĩ của mình, tự tin trình bày ý kiến hay tranh luận với bạn học trong học tập.
Một số việc cụ thể mà bản thân đã thực hiện theo phương pháp thảo luận tích cực (tôi thường sử dụng hai cách cơ bản).
Thứ nhất, là đặt những câu hỏi nhỏ trước, sau đó tổng hợp thành câu hỏi hoàn chỉnh hơn. Ví dụ: Vì sao nói trí thức không phải là một giai cấp mà là một tầng lớp xã hội đặc biệt của một bộ phận lao động trí óc? Từ đó, dẩn đến câu hỏi hoàn chỉnh: Trí thức có những đặc điểm gì? (kể ra). Tuy nhiên, cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại (tức câu hoàn chỉnh trước, sau đó đặt từng câu hỏi nhỏ trong câu hỏi hoàn chỉnh), cứ thế cho đến hết nội dung bài. Lưu ý là, trong khi một học viên phát biểu, các học viên còn lại phải tập trung theo dõi và có ý kiến bổ sung, nhận xét, khi cần.
Thứ hai, chia hai nhóm học viên (mỗi nhóm 3, 4 học viên). Mỗi nhóm tự chọn học viên đại diện. Lưu ý chọn mỗi nhóm phải có học viên giỏi khá, trung bình và học viên có năng khiếu riêng. Tất cả những học viên còn lại đóng vai trò người quan sát. Khi bắt đầu thảo luận, đại diện nhóm 1 bốc câu hỏi (câu hỏi do giáo viên chuẩn bị), công bố câu hỏi để nhóm 2 suy nghĩ trả lời. Khi nhóm 2 không hoàn chỉnh câu trả lời thì nhóm 1 phải giải đáp. Trường hợp cả hai nhóm không hoàn chỉnh câu trả lời được thì giáo viên mời các thành viên của lớp, sau đó giáo viên giải đáp, kết luận (nếu thấy cần thiết). Cứ tuần tự như thế, mỗi nhóm có thể trả lời 4-5 câu hỏi. Giáo viên có thể thay nhóm khác cho đến hết buổi. Giáo viên là người đánh giá, nhận xét cuối buổi thảo luận. Lưu ý là câu hỏi phải từ dễ đến khó, theo lôgic của bài, cần có những câu hỏi nâng cao để phát hiện học viên giỏi (có thể cộng điểm khuyến khích hoặc miễn kiểm tra điều kiện cho học viên có câu trả lời hay để khuyến khích học viên). Ngoài ra, cần có những câu hỏi phát huy năng khiếu của học viên như: hát, kể chuyện, ngâm thơ.... để tạo không khí tâm lý thoải mái cho học viên.
Qua việc thực hiện phương pháp "thầy chủ đạo - học viên chủ động" đã tạo được sự năng động, tích cực của học viên, tạo được sự gần gũi, gắn bó trong học viên và với giáo viên. Học viên đã tự giác học tập, khám phá nhiều ý hay, tạo thói quen liên hệ lý luận và thực tiễn trong giải đáp các yêu cầu của bài học. Cả giáo viên và học viên phải luôn năng động, nhanh nhẹn mới hoàn thành tốt buổi thảo luận, xây dựng được tinh thần hăng hái thi đua trong học viên, giờ học sinh động, học viên nhớ bài kỹ hơn sâu hơn. Đó là tiền đề cho kết quả cao của bài thi hết môn.
Tuy nhiên, việc học như trên cũng có những khó khăn cần khắc phục như mất nhiều thời gian ở khâu chuẩn bị, chỉ áp dụng được tốt ở lớp có sĩ số từ 30 - 35 học viên, lớp học còn gây ồn ào cho phòng học khác.
Tóm lại, để có tiết dạy tốt, theo tôi, giáo viên cần luôn tâm niệm là phải nắm rõ tri thức mà học viên cần nắm, tri thức chưa biết hoặc chưa hoàn chỉnh và hướng dẫn để học viên tự khám phá, phát hiện, chiếm lĩnh tri thức như thế tri thức lý luận mới thực sự trở thành vốn riêng của học viên. Tất nhiên, sẽ là duy ý chí khi xét phương pháp giảng dạy nào đó là hoàn hảo, vạn năng, chỉ có việc sử dụng linh hoạt các phương pháp bằng bản lĩnh chỉ đạo của người thầy và sự chủ động tích cực của học viên thì mới tạo được một kết quả tốt đẹp.